Lan là loài hoa đẹp nhưng đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc khá kỹ lưỡng. Bởi lẽ loài hoa này rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài môi trường. Một trong những bệnh thường gặp là lan bị vàng lá. Bệnh này ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Vậy đâu là nguyên nhân khiến lan bị vàng lá? Cách khắc phục như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu vấn đề này.
Nguyên nhân và cách khắc phục lan bị vàng lá
Trong quá trình trồng và chăm sóc lan, vấn đề phổ biến mà người trồng lan có thể đối mặt đó là tình trạng lá hoa lan chuyển sang màu vàng. Nguyên nhân có thể là do quá trình tự nhiên của loài cây này. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tật hay do những sai lầm của bạn trong quá trình chăm sóc cây. Dưới đây là một số nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng lá cây lan bị vàng.
Lan bị vàng lá do quá trình già tự nhiên
Trong đa số các trường hợp, lá lan bị vàng là do vòng đời tự nhiên của loài cây này. Khi cây ra lá mới hoặc hoa mới thì lá dưới cùng của cây sẽ dần chuyển sang màu vàng và rụng đi. Điều đó là để ưu tiên tập trung dinh dưỡng cho sự phát triển của lá mới.
Cách khắc phục
Nếu lá cây lan bị vàng theo một cách tự nhiên thì bạn không có gì phải lo lắng. Lá cây sẽ vàng và tự rụng. Bạn không nên vì thấy khó coi mà loại bỏ chúng một cách thủ công. Bởi lẽ điều này có thể gây ra vết thương hở trên cây và làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Hãy để lá rụng tự nhiên. Sau đó dùng dao thật sắc đã được khử trùng và loại bỏ phần lá ở gốc.
Lá lan bị vàng do quá nhiều ánh nắng mặt trời chiếu vào trực tiếp
Tất cả các loài cây đều cần ánh sáng, hoa lan cũng không ngoại lệ. Bạn thấy rằng trong tự nhiên, hoa phong lan thường mọc dưới các tán cây lớn. Đây là nơi nhận ánh sáng mặt trời một cách gián tiếp. Loài hoa này không ưa ánh mặt trời trực tiếp. Nếu bạn đặt cây hoa lan dưới quá nhiều ánh nắng, lá cây có thể chuyển sang màu vàng. Ngoài ra, bạn có thể thấy lá cây xuất hiện các vết cháy xém, đầu lá cũng có thể bị cháy.
Cách khắc phục
Để khắc phục lan bị vàng lá do nhận quá nhiều ánh nắng trực tiếp cũng không quá khó. Theo đó, bạn chỉ cần lựa chọn vị trí đặt chậu cây phù hợp sao cho chúng chỉ nhận được ánh sáng mặt trời gián tiếp.
Vào mùa hè, bạn có thể đặt chậu cây ở gần cửa sổ hướng Đông hoặc hướng Bắc. Nhìn chung, bạn nên đặt chậu cây ở nơi râm mát. Nếu thấy ánh sáng chiếu vào quá mạnh, bạn có thể sử dụng thêm rèm che để hạn chế nắng vào cây. Hoặc có thể để xa cửa sổ nếu cần.
Xem thêm >>> Lan Hồ Điệp Bị Héo Hoa: Dấu Hiệu, Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Lan bị vàng lá do nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp
Trong môi trường tự nhiên, cây hoa lan thường phát triển dưới những tán cây. Đây là nơi có nhiệt độ ổn định, không quá cao cũng không quá thấp. Theo đó cây lan phát triển tốt trong nhiệt độ từ 13-27 độ C. Nếu bạn đặt chậu lan ở những nơi có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp trong ngưỡng này thì hoa lan sẽ bị sốc nhiệt. Biểu hiện thấy rõ nhất là lá cây sẽ chuyển sang màu vàng, rụng lá. Thậm chí là cây có thể bị chết nếu bạn không khắc phục tình trạng này.
Cách khắc phục
Việc khắc phục nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp với cây lan không hề khó. Bạn có thể sử dụng nhiệt kế để kiểm tra chính xác nhiệt độ nơi đặt chậu hoa lan. Nếu nhiệt độ vượt quá ngưỡng 18-27 độ C vào ban ngày và 13-25 độ C vào ban đêm thì bạn cần điều chỉnh lại nhiệt độ cho phù hợp bằng cách sử dụng đèn nhân tạo để tăng nhiệt độ, hoặc điều hòa không khí để giảm nhiệt độ về ngưỡng phù hợp.
Lan bị vàng lá do tưới nước quá nhiều
Tưới quá nhiều nước cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cho lá cây lan bị vàng. Thậm chí cây lan sẽ không hấp thu được chất dinh dưỡng cần thiết. Tệ hơn là rễ cây có thể bị thối, lá cây chuyển sang màu vàng, nhăn nheo và chết. Đây là vấn đề khá nghiêm trọng. Do đó, bạn cần phải có biện pháp khắc phục điều này.
Cách khắc phục
Đặc điểm của cây lan là cần một lượng nước vừa phải. Do đó bạn chỉ nên tưới cho cây đủ ẩm mà không cần tưới nhiều. Bạn chỉ nên tưới nước khi thấy giá thể đã khô. Tùy từng loài lan mà thời gian tưới có thể từ 7-10 ngày.
Nếu bạn đã lỡ tưới quá nhiều nước khiến rễ cây bị ngập úng thì hãy nhanh chóng thay chậu mới cho cây. Trước tiên, bạn nên cắt bỏ những chiếc lá bị vàng, thối nhũn. Cần dùng dụng cụ khử trùng sạch sẽ và cắt sâu vào bên trong khoảng 2cm. Sau khi cắt xong cần khử trùng vết cắt và để cây ở nơi khô ráo. Khi vết thương trên cây đã lành hẳn thì mới chuyển vào trồng ở chậu mới. Điều quan trọng là bạn phải thay giá thể mới bằng vỏ thông hoặc hỗn hợp khác. Giá thể mới sẽ không quá ẩm, không chứa nấm bệnh sẽ giúp cây phát triển tốt hơn.
Bên cạnh việc thay chậu, bạn cần chú ý điều chỉnh số lần tưới nước và lượng nước tưới cho phù hợp. Nếu và mùa xuân, mùa hè bạn chỉ cần lưới 1 lần/tuần. Vào mùa thu, đông chỉ cần tưới 2 tuần/1 lần. Ngoài ra số lần tưới cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Lan bị vàng lá do khô hạn
Cây hoa lan khá sợ nước nhưng chúng vẫn cần được cung cấp một lượng nước vừa đủ. Nếu cây không được tưới nước sẽ bị khô hạn khiến cho rễ chuyển sang màu trắng, bị héo, teo lại và chết. Rễ cây không thể vận chuyển chất dinh dưỡng đến toàn bộ cây, khiến cho lá cây bị chuyển sang màu vàng.
Cách khắc phục
Giá thể trồng lan cần được ngâm nước kỹ mỗi lần tưới. Điều này để đảm bảo độ ẩm cho rễ lan phát triển tốt, có màu xanh lục và mang cảm giác căng mọng.
Để cứu cây lan bị khô hạn, bạn đặt chậu lan vào ngâm trong chậu nước khoảng 10 phút sao cho ngập hết rễ. Điều này giúp nước thấm vào bên trong bầu một cách hiệu quả. Nhờ đó rễ tiếp cận được với độ ẩm cần thiết. Sau 10 phút, bạn lấy chậu lan ra và để nước thoát ra khỏi đế chậu.
Thường sau 7 ngày khi bề mặt trên cùng của giá thể bắt đầu khô thì bạn cần tưới nước lại. Chú ý luôn tưới đẫm cho lan. Vào mùa xuân và mùa hè có thể tưới 1 tuần/lần. Mùa thu và mùa đông có thể tưới 2 tuần/lần. Ngoài ra, để tránh cây bị khô hạn dẫn đến vàng lá, bạn có thể phun sương cho cây bằng bình xịt 2 ngày/lần. Đồng thời để chậu cây ở nơi có nhiệt độ thích hợp, tránh xa ánh nắng trực tiếp và các luồng không khí làm giảm độ ẩm của cây.
Xem thêm >>> Vì Sao Lan Hồ Điệp Bị Héo Lá? Cách Khắc Phục Héo Lá Hiệu Quả
Lan bị vàng lá do thay đổi môi trường sống một cách đột ngột
Hoa lan là loài cây khá nhạy cảm. Bởi vậy, chúng dễ bị vàng lá nếu bạn thay đổi đột ngột vị trí hoặc môi trường sống quen thuộc của chúng. Khi môi trường sống đột ngột bị thay đổi, cây sẽ bị căng thẳng và dẫn đến hiện tượng vàng lá. Điều này có thể xảy ra khi bạn chuyển nhà hoặc mang cây từ cửa hàng bán hoa về trồng.
Cách khắc phục
Khi chuyển cây từ vùng có khí hậu khác về, bạn nên để chậu cây ở nơi râm mát và không nên tưới nước trong 2 ngày đầu. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung B12 cho cây 3 ngày/lần. Điều đó giúp cây mau chóng hồi phục và mọc ra rễ mới khỏe mạnh hơn.
Lan bị vàng lá do bổ sung quá nhiều phân bón
Tương tự như tưới quá nhiều nước, bổ sung quá nhiều phân bón cũng khiến cho lá cây lan chuyển sang màu vàng.
Theo đó, khi bạn bổ sung quá nhiều phân bón sẽ khiến đất dư thừa một số khoáng chất trong đất như canxi, đồng, mangan,…Điều này có thể khiến cây khó hấp thụ sắt. Thiếu sắt ở cây lan cũng là nguyên nhân khiến lá lan bị vàng.
Bạn có thể nhận ra tình trạng lan bị vàng lá do thừa phân là toàn bộ lá cây đều bị vàng. Điều này có nghĩa là cây lan bị ngộ độc phân bón, thuốc hoặc chất kích rễ. Cây có hiện tượng vàng loang lổ. Hiện tượng vàng lá còn lan ra cả lá non.
Cách khắc phục
Nếu thấy lan bị vàng lá do ngộ độc phân bón, bạn cần xử lý nhanh chóng để cứu cây. Biện pháp nhanh nhất là tưới nước để xả bỏ bớt phân. Nếu trồng hoa lan trong chậu thì sau khi xả nên thay chậu mới. Bạn cần nhớ, khi bón phân cho hoa lan cần bón đúng loại phân và bón đúng liều lượng. Để chắc chắn hơn, khi bón phân, bạn nên giảm liều lượng so với hướng dẫn trên bao bì và pha loãng khi bón cho cây. Ngoài ra, không nên bón phân khi hoa đang nở rộ. Hãy chờ hoa rụng sau đó hãy bón để kích thích sự phát triển của cây và giúp cho hoa mới phát triển.
Lá cây lan bị vàng do thiếu hụt chất dinh dưỡng
Bón phân quá nhiều khiến lan bị ngộ độc phân bón và bị vàng lá. Tuy nhiên nếu không bón phân sẽ khiến lan bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Lan có thể bị thiếu một số chất dinh dưỡng như mangan, kẽm, sắt, ni tơ,…Dấu hiệu của việc thiếu hụt dinh dưỡng đó là cây bị vàng lá.
Cách khắc phục
Việc bón phân cho cây là rất cần thiết, nhất là vào giai đoạn sinh trưởng của cây. Để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, bạn có thể bón các loại phân hữu cơ. Ngoài ra có thể bón các loại phân vi lượng. Liều lượng và thời gian bón như thế nào bạn có thể tham khảo ở những người có kinh nghiệm trồng lan lâu năm.
Lá cây lan bị vàng do chất lượng nước không phù hợp
Nguồn nước không sạch hoặc nước cứng, có nhiều hóa chất cũng là nguyên nhân gây nên hiện tượng vàng lá ở cây lan. Nước máy có chứa nhiều Clo. Hóa chất này sẽ khiến rễ cây bị ức chế, lá cây bị vàng và rụng dần. Nước cứng có chứa nhiều canxi, magie. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây, khiến cây thiếu hụt sinh dưỡng và bị vàng lá.
Cách khắc phục
Ngay từ đầu bạn cần tìm kiếm nguồn nước sạch, phù hợp để tưới cho cây lan. Nước mưa là một gợi ý rất tốt cho bạn. Ngoài ra, bạn có thể dùng nước lọc để tưới cho cây lan. Không tưới cho lan bằng nước cứng hoặc nước máy có nhiều clo. Nếu sử dụng nước máy, bạn nên bơm ra bình chứa, để khoảng 1-2 ngày cho clo bay hết mới tưới nước cho cây.
Xem thêm >>> Nguyên Nhân Lan Hồ điệp Bị Vàng Lá – Cách Khắc Phục Hiệu Quả
Lan bị vàng lá do nhiễm trùng hoặc do bị bệnh
Một nguyên nhân khác khiến cây lan bị vàng lá đó là do cây bị nhiễm trùng hoặc bị bệnh. Các bệnh này có thể khiến cho lá xuất hiện các đốm, mảng vàng. Hoặc toàn bộ lá bị vàng. Trong đó phải kể đến các bệnh và nhiễm trùng phổ biến ở cây lan dưới đây.
Thối rễ: Đây là tình trạng cây lan bị nhiễm nấm ở rễ. Điều này thường xảy ra khi bạn tưới nước quá nhiều cho cây. Hoặc do môi trường sống của cây lan thoát nước kém. Thối rễ là bệnh phát triển nhanh và khiến cây lan bị chết một cách nhanh chóng nếu không được xử lý kịp. Nếu bạn quan sát thấy rễ cây có màu nâu, đen, sờ vào thấy mềm, dễ gãy thì chứng tỏ cây bị bệnh thối rữa.
Bệnh đốm lá: Bệnh này cũng do nấm gây nên. Bệnh khiến mặt dưới của của lá có các vùng màu vàng. Nếu không được chữa trị thì các đốm này sẽ ngày càng lớn và chuyển màu nâu hoặc đen.
Đốm nâu do vi khuẩn: Nếu lá cây hoa lan có những đốm màu nâu hoặc màu vàng trông ướt át thì có thể cây đã mắc bệnh đốm nâu gây nên bởi vi khuẩn. Tình trạng này xảy ra nhiều hơn khi cây lan được trồng ở khu vực nóng và ẩm ướt.
Cách khắc phục
Cách khắc phục tốt nhất khi lá cây bị đốm, vàng do nấm, vi khuẩn đó là cắt bỏ những phần lá bị nhiễm bệnh hoặc cắt bỏ toàn bộ lá. Cần lưu ý khử trùng dao, kéo sạch sẽ trước khi tiến hành cắt. Ngoài ra, sau khi loại bỏ lá bị bệnh, bạn cần phun thuốc diệt nấm hoặc vi khuẩn để ngăn bệnh lây nhiễm sang cây khác.
Xem thêm >>>Lan Hồ điệp Có Chịu được Nắng Không? Cách Chăm Sóc Hiệu Quả
Bệnh vàng lá của một số hoa lan phổ biến và cách khắc phục
Các loài hoa lan vô cùng phong phú về chủng loại, màu sắc. Đa số chúng đều có thể mắc phải bệnh vàng lá do những nguyên nhân kể trên. Dưới đây là nguyên nhân và cách khắc phục bệnh vàng lá ở một số loài lan phổ biến:
Lan hồ điệp bị vàng lá
Lan hồ điệp là loài hoa đòi hỏi điều kiện nuôi trồng khá kỹ lưỡng. Chúng có thể bị vàng lá do các nguyên nhân như nấm, vi khuẩn; lượng nước tưới, nhiệt độ, ánh sáng, phân bón không phù hợp. Dưới đây là một số cách khắc phục cây lan hồ điệp bị vàng lá:
Loại bỏ nấm: Nếu lan bị vàng lá do nấm thì bạn cần chuyển chậu lan ra vị trí khác thông thoáng. Đồng thời phun thuốc diệt nấm để tránh lây bệnh sang cây khác. Nên phun thuốc vào sáng sớm để tránh tình trạng đọng nước lá khiến nấm lại phát triển.
Tưới nước phù hợp: Cần tưới nước dựa trên điều kiện thời tiết. Tưới vừa đủ để cây không bị ngập úng hay khô hạn. Chú ý đến độ thoáng gió trong khu vực trồng. Nên trồng cây ở chậu có độ thoát nước tốt để cây không bị ngập úng.
Điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng phù hợp: Cây lan hồ điệp dễ bị vàng lá do ánh sáng nhiều hoặc nhiệt độ quá cao. Do đó bạn cần nên đặt chậu cây dưới bóng râm hoặc sử dụng lưới chuyên dụng với ánh sáng 60-70%. Nhiệt độ thích hợp để lan hồ điệp phát triển là 18-29 độ C. Không để nhiệt độ thấp hơn ngưỡng này khiến cây không hấp thu được chất dinh dưỡng và bị vàng lá.
Lựa chọn phân bón phù hợp: Phân bón hữu cơ và phân NPK rất cần thiết cho cây lan hồ điệp phát triển. Theo đó cần lựa chọn loại phân bón phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây để cây có đủ chất dinh dưỡng.
Xử lý giá thể: Khi trồng hoặc thay chậu cho cây lan hồ điệp thì nhất thiết phải xử lý giá thể. Giá thể cần được xử lý bằng nước vôi trong, rửa sạch sau đó phơi khô để tránh lan hồ điệp bị nhiễm bệnh, vàng lá.
Lan đai châu bị vàng lá
Lan đai châu bị vàng lá cũng là vấn đề nhiều người trồng lan phải đối mặt. Nguyên nhân chủ yếu khiến lan bị vàng lá là do nấm, bệnh, các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, nước tưới, phân bón,…không thích hợp. Lan đai châu bị vàng lá khiến cây bị mất thẩm mỹ. Ngoài ra, còn làm giảm giá trị kinh tế của cây.
- Để xử lý lan đai châu bị vàng lá do nấm, bạn làm theo hướng dẫn sau:
- Di chuyển chậu lan đến nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm thấp khiến cây dễ bị nấm bệnh hơn.
- Dùng dao hoặc kéo đã khử trùng để loại bỏ những chiếc lá bị vàng hoặc héo úa. Cần cắt nhanh và dứt khoát để không làm lây lan bệnh nhanh. Sau đó bôi vôi vào các chỗ cắt.
- Sử dụng các loại thuốc chuyên dụng để điều trị nấm, bệnh vàng lá, thối lá ở cây.
- Ngưng tưới nước 3-5 ngày. Sau đó tưới dạng phun sương cho cây.
Lan phi điệp bị vàng lá
Lan phi điệp cũng là loài lan đẹp, được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên loài lan này cũng có thể bị vàng lá do nấm, hay do bọ trĩ phá hoại.
Nếu cây bị nấm, vi khuẩn tấn công thì bộ dễ của cây sẽ bị khô dần, không phát triển được dẫn đến hiện tượng vàng lá và rụng lá. Nếu cây để nơi ẩm thấp thì mầm bệnh sẽ phát triển rất nhanh. Do đó cần kịp thời cách lý cây bị bệnh để tránh lây lan sang cây khác. Sau đó dùng thuốc diệt nấm, vi khuẩn chuyên dụng để khắc phục. Nếu cây bị nặng thì cần cắt bỏ toàn bộ rễ, thay giá thể mới và tiến hành chăm sóc cho cây hồi phục.
Trường hợp cây lan phi điệp bị vàng lá do bọ trĩ phá hoại, hút nhựa lá thì cần tiêu diệt bọ trĩ. Đồng thời để chậu cây ở nơi thông thoáng để tránh bọ trĩ phát triển.
Lời kết
Hy vọng với những nguyên nhân và giải pháp đã chia sẻ, bạn sẽ dễ dàng xử lý vấn đề vàng lá và giúp cây lan của mình phục hồi. Đừng quên truy cập lanhodiep.vn để tìm hiểu thêm các mẹo chăm sóc lan, cùng những kiến thức hữu ích khác giúp bạn duy trì những chậu lan tươi đẹp như mong muốn.