Phong lan – những vẻ đẹp tinh túy của thiên nhiên đã từ lâu gợi lên sự kính ngưỡng và say đắm trong lòng con người. Bài viết này sẽ đưa bạn vào cuộc hành trình tuyệt vời khám phá các loại hoa phong lan phổ biến và khác biệt nhau, từ những loài phổ biến và quen thuộc cho đến những loài độc đáo và hiếm có. Hãy cùng Lanhodiep.vn nhận biết các loại hoa phong lan qua bài viết dưới đây nhé.
Ý nghĩa hoa phong lan
Hoa Phong lan là loài hoa được mọi người đề cao từ xưa đến nay vì nó tượng trưng cho rất nhiều điều ý nghĩa về sắc đẹp, tình yêu, sự thanh khiết, sự quyến rũ và sự thấu hiểu.
Hoa phong lan có nhiều màu sắc đa dạng nên nó được dùng để làm quà tặng cho bất cứ ai và bất cứ lứa tuổi nào. Nhất là tặng cho những người thân yêu, cho thầy cô giáo hoặc người yêu. Nó hiện hữu rất nhiều ở các sự kiện quan trọng nhờ vào tính sang trọng toát lên từ vẻ kiêu sa diễm lệ. Mỗi một màu loài hoa lan sẽ có những ý nghĩa khác nhau:
Hoa lan tím
Hoa lan tím mang đến ý nghĩa và cảm xúc đặc biệt trong thế giới hoa lan. Màu tím thường được coi là màu của sự quý phái, tinh tế và bí ẩn. Trong văn hóa phương Đông, hoa lan tím thường được xem là biểu tượng của sự cao quý, sự đẹp đẽ và lòng trung thành.
Hoa lan tím cũng thể hiện sự hiếu thảo và lòng thành kính. Nó thường được tặng nhau như một biểu hiện của sự tôn trọng và lòng tri ân đối với cha mẹ. Ngoài ra, hoa lan tím cũng có ý nghĩa về sự may mắn và thịnh vượng.
Hoa lan vàng
Loài hoa này đại diện cho một vẻ đẹp kiêu sa, sang trọng và đầy quý phái. Hơn nữa, nó còn thể hiện niềm an vui, sung túc trong cuộc sống, sự kiên cường, mạnh mẽ,… Chúng thường được trưng bày nhiều trong các buổi lễ long trọng và vui vẻ, như một lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người xung quanh.
Màu vàng của hoa lan mang tới mọi người cảm giác như ánh nắng buổi ban mai. Nó khiến cho ai nhìn vào cũng đều cảm nhận được sự trang trọng và ấm áp, nhưng cũng không hề kém phần rực rỡ. Nếu các bạn được người khác tặng cho hoa lan vàng, nó là một lời động viên và khích lệ rất lớn.
Ngoài ra, hoa phong lan vàng cũng được gia chủ trang trí trong nhà để tăng sự may mắn, thể hiện không khí ấm cúng, sang trọng. Với mong muốn một cuộc sống no ấm, đầy đủ đến với gia đình. Dùng phong lan vàng để làm quà tặng trong các dịp khai trương hoặc tân gia nhà cũng vô cùng hợp lý. Bởi vì nó còn thể hiện cho sự chân thành và thiện chí đến đối phương.
Hoa lan trắng
Màu sắc trắng tươi sáng, tinh khiết mang tới sự thanh cao và chân thành của lan trắng khiến cho ai cũng đều phải xiêu lòng. Chúng toát lên vẻ đẹp thánh thiện, trong sáng và ngây thơ của các cô gái mới lớn. Hơn thế nữa, nó còn thể hiện cho tình mẫu tử thiêng liêng và sự tôn trọng, lòng biết ơn đối với bậc sinh thành của chúng ta.
Hoa lan hồng
Những bông hoa lan màu hồng được trang trí vô cùng nhiều trong đám cưới. Chúng thể hiện mang đến ý nghĩa như một lời chúc phúc tốt đẹp nhất dành cho các cặp đôi mới cưới. Mong muốn họ có một cuộc sống hôn nhân vui vẻ, hạnh phúc và gặp nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Hoa lan đỏ
Hoa lan màu đỏ tượng trưng cho một tình yêu cháy bỏng, đặc biệt chúng còn thể hiện quyền lực và lòng quyết tâm chinh phục mọi thử thách. Nếu một chàng trai nào đó tặng hoa lan đỏ cho người anh ấy yêu thì chắc hẳn đó là mong muốn thể hiện sự quyết tâm, kiên trì để chinh phục cô gái ấy và biểu tượng cho sự chung thủy vô bờ bến.
Hoa lan xanh
Trong nhiều loại hoa lan thì hoa phong lan xanh tương đối hiếm và khá đặc biệt. Nó tượng trưng cho sự sung túc, may mắn ngập tràn. Khi dùng hoa lan xanh để trang trí cho ngôi nhà của bạn, nó còn tạo nên sự tươi mới, thoáng đãng vô cùng. Chúng thích hợp để trang trí ở mọi nơi và làm quà tặng đến người cực kỳ đặc biệt đối với bạn.
Xem thêm >>> Những Lưu ý Chọn HOA LAN HỒ ĐIỆP VĂN PHÒNG Hợp Phong Thủy
Đặc điểm của hoa phong lan
Nguồn gốc
Hoa phong lan còn có tên khoa học là Orchidaceae, chúng là họ thực vật có hoa, thuộc bộ măng tây và lớp thực vật có một lá mầm. Đây là một trong các họ lớn nhất của thực vật, chúng phân bổ khá rộng rãi trên khắp thế giới.
Loài thực vật này có hoa và được ghi nhận đến nay với số lượng rất lớn lên đến hơn 25.000 loài. Số lượng này cao gấp 4 lần so với những loài động vật có vú và gấp đôi số lượng các loài chim. Hiện nay hoa phong lan cũng đang được con người lai ghép rất nhiều giống khác nhau trên thế giới.
Trong tự nhiên có rất nhiều loại hoa phong lan mang mùi hương đặc biệt khác nhau. Trong đó có thể nói đến hoa Vanilla – một giống hoa phong lan có hương thơm và chúng được dùng rất nhiều trong ẩm thực thế giới và ngay ở Việt Nam.
Đặc tính sinh trưởng của cây
Rễ lan
Phong lan là họ sống bám trên thân gỗ của các loại cây khác. Nó đưa cơ thể bò lên sau đó bám vào thành từng chùm hoặc một bụi dày. Rễ cây hấp thụ nước và một số chất dinh dưỡng để cung cấp cho cây phát triển.
Thân lan
Lan thường có hai loại là đơn thân và đa thân. Trên thân có các củ giả phình lớn nhằm dự trữ nước và chất dinh dưỡng để nuôi cây khi gặp thời tiết hanh khô phải treo trên cao. Đa số các củ giả này đều sẽ có màu xanh bóng nên nó cũng giống như lá làm nhiệm vụ quang hợp cho cây.
Lá lan
Hầu hết hoa phong lan đều thuộc giống cây tự dưỡng nên chúng phát triển đầy đủ lá. Hình dạng của lá cũng thay đổi rất nhiều từ mọng nước cho tới phiến mỏng. Màu sắc của lá cũng sẽ giống như củ giả có màu xanh bóng, mặt dưới màu tía hoặc xanh đậm, mặt trên thì sặc sỡ hơn.
Hoa lan
Hoa lan thường mọc đối xứng với nhau trên một mặt phẳng. Bên ngoài của phong lan thường có 6 cánh hoa, bao gồm 3 cánh ngoài cùng và 3 cánh hoa ở trong đài. Màu sắc và kích thước của chúng tương đối giống nhau. Hoa phong lan còn có một cánh được gọi là cánh môi, nằm phía dưới hoặc phía trên mang màu sắc rất riêng biệt, đặc điểm này chính là quyết định giá trị thẩm mỹ của hoa.
Ở giữa là các hoa trụ nổi lên, cũng chính là những bộ phận sinh dục của cây, giúp cây duy trì nòi giống lâu dài. Khi hoa héo thì sẽ hình thành các quả lan.
Quả và hạt lan
Đặc điểm của quả lan là có dạng cải dài hình trụ ngắn, phình ra ở chính giữa. Khi chín nó nở ra, mảnh vỏ thì sẽ dính lại hai phía dưới và trên. Hạt lan có nhiều và li ti, bên trong chứa đầy không khí.
Tại sao hoa phong lan lại được yêu thích
Hoa phong lan là loài hoa rất phổ biến và lâu đời ở các nước Châu Á, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Sau đó, loài hoa này mới được du nhập vào Bắc Mỹ, Châu Âu và rất được yêu thích ở đây. Do nhiều người đã lai tạo mà hiện nay phong lan đã có tới 100.000 loại khác nhau.
Từ thời xa xưa, hoa phong lan đã trở thành món quà vô cùng quý hiếm. Chúng thể hiện được ý nghĩa trân quý và sâu đậm trong tình yêu.
Bên cạnh đó, lan còn có ý nghĩa khác gắn với sự sinh sôi và nảy nở. Ở Trung Hoa, hoa phong lan là biểu tượng của cho con đàn cháu đống. Đối với người dân ở Anh, hoa phong lan lại tượng trưng của sự sang trọng. Bởi loài hoa này rất hiếm và chỉ những người trong giới nhà giàu có mới đủ khả năng sở hữu. Tại Nhật Bản, hoa phong lan còn được giới hoàng gia rất trân trọng và chúng tượng trưng cho sự quyền lực, giàu có.
Cách nhận biết các loại hoa phong lan hiện nay
Nhận biết dựa trên môi trường sống
Phong lan đa phần thường sống ở những nơi nhiều gió. Loại lan phụ sinh thì mọc ở trên cây hoặc các vách đá và có bộ rễ lộ ra ngoài. Muốn cây phát triển thì bạn không được đặt chúng ở khu vực có khói, bụi bẩn… Bởi những thứ này sẽ ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cây. Tuy nhiên, cũng lưu ý khi trồng lan trong nhà thì không được đóng hết các cửa sổ vì như vậy sẽ làm giảm điều tiết độ ẩm và ngăn ánh sáng.
Nhận biết dựa trên đặc điểm của cây
Hoa phong lan là cây sống phụ sinh. Chúng thường được bắt gặp sống bám vào các thân cây hoặc vật khác. Tuy nhiên, khi tách ra thì phong lan vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.
Trong quá trình sống phụ sinh trên vật chủ, cây sẽ hút chất dinh dưỡng để làm nguồn sống nuôi dưỡng chính mình. Hoặc hấp thụ các chất thông qua môi trường không khí. Đây là ưu điểm vô cùng đặc biệt của loài hoa này.
Xem thêm >>> So Sánh Lan Hồ điệp Đà Lạt Và Trung Quốc Có Gì Khác?
Top 9 loài hoa phong lan phổ biến được yêu thích nhất hiện nay
Cùng chúng tôi điểm qua Top 9+ loài hoa phong lan phổ biến được yêu thích nhất nhé.
Hoa lan thảo kèn
Hoàng Thảo Kèn là thuộc chi phong lan thảo, có tên khoa học là Dendrobium Lituiflorum. Chúng bắt nguồn gốc từ Nam Á – nơi có những khu rừng tự nhiên tuyệt đẹp và xuất hiện rộng khắp Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam.
Loài lan này có kích thước trung bình, khả năng chịu lạnh rất tốt và phát triển khỏe mạnh ở nơi có ánh sáng vừa đủ.
Lá của Hoàng Thảo Kèn thon dài, nhọn về phần đầu. Với cái tên mỹ miều, loài hoa này mang trên mình một màu sắc tím cực kỳ quyến rũ kết hợp với vành môi trắng mỏng.
Một điểm đặc biệt ở lan Hoàng Thảo Kèn là hoa mọc ra từ các mắt phần đốt lá của thân. Chúng có mùi thơm nhè nhẹ đến khó cưỡng. Hoa mọc thành từng chùm to, có kích thước khoảng 6-8 cm, gồm nhiều cánh bao quanh tạo thành hình giống với hoa loa kèn.
Lan Hoàng Thảo Kèn thường mọc theo chu kỳ cuối đông và kết thúc vào đầu xuân. Cùng với màu tím hiếm gặp, chúng đã thu hút biết bao ánh nhìn của những người yêu hoa.
Lan Huyết Nhung
Lan Huyết nhung có tên khoa học đầy đủ là Renanthera Imschootiana Rolfe. Ở Việt Nam, loài lan này còn được gọi với tên khác là Huyết Nhung phượng vĩ. Sở dĩ mà dân ta gọi như vậy chính là do hoa của chúng có vẻ ngoài và màu sắc giống hệt với loài hoa phượng. Đây là loài lan Huyết Nhung đặc hữu tại Việt Nam. Chúng được tìm thấy ở những vùng núi đá vôi thuộc bộ phận tỉnh Hà Giang. Bên cạnh đó, cây còn xuất hiện ở Vị Xuyên, Quản Bạ, Hà Giang, Tân Sơn, Phú Thọ…
Mọi người thường dễ bị nhầm lẫn giữa hoa lan Huyết Nhung rừng với hoa lan phượng vỹ. Đây cũng là một loài lan đẹp, có hình thù độc đáo, mới lạ. Hoa huyết nhung rừng thuộc giống lan đơn thân, phân đốt và lá thuôn dài, mọc đối xứng nhau. Chiều cao trung bình của cây vào khoảng 75-80cm, thường mọc thành tán lá dày.
Lan huyết nhung có phát hoa phân nhánh mang nhiều bông, gồm đủ các màu từ vàng, đỏ đến cam… Chúng là một loại lan ưa ánh sáng mạnh, thích hợp trồng ở vị trí thoáng mát. Hoa có cánh đài bên lớn, không được thơm như những loài lan khác nhưng siêu đẹp và lâu tàn.
Hoa lan Cẩm Báo
Hoa lan cẩm báo bắt nguồn từ những khu rừng tại Myanmar. Sau đó, chúng được tìm thấy ở nhiều nơi khác tại châu Á như: Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia… Ở nước ta, loài lan này xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La…
Phong lan cẩm báo thuộc dòng họ Orchidaceae. Các nhà khoa học trên thế giới còn gọi là Vandopsis, Vanda Parishii hoặc Hygrochilus Parishii.
Chúng là loài cây sống phụ sinh có thân đơn, dẹt thẳng và cao khoảng 25-30cm. Lá lan cẩm báo sẽ thuôn dài, có bẹ ôm sát thân, đỉnh được chia thành 2 thùy không đều, dài từ 20-25cm. Rễ cây trắng sẫm, mọc từ nách lá lên giữa thân, rễ mới mọc thường có màu xanh trắng hoặc xanh tím ở phần đầu rễ.
Cánh hoa lan cẩm báo thường dày và có nhiều điểm đốm màu đỏ cam giống như da loài báo gấm. Môi hoa nhỏ nhắn, thùy giữa có màu đỏ đô, mép màu trắng với các vạch vàng cam đẹp mắt. Hoa khi nở sẽ có mùi thơm ngọt ngào bay đi xa.
Loại lan cẩm báo mà dân ta dễ tìm thấy nhất là lan cẩm báo nhung. Với sự đa dạng chủng loại kèm theo nhiều màu sắc khác nhau, lan cẩm báo nhung được rất nhiều người yêu lan lựa chọn trưng bày trong nhà.
Lan Cẩm Cù
Lan Cẩm Cù có tên khoa học đầy đủ là Hoya carnosa. Hiện nay trên thế giới có đến hàng trăm loài lan Cẩm Cù khác nhau. Giống hoa này có dạng chùm tròn, hình ngôi sao 5 cánh nhỏ với nhiều màu sắc như hồng, đỏ, tím, trắng. Nó tỏa ra hương thơm khá dễ chịu và lâu tàn.
Hoa Lan Cẩm Cù thuộc dạng cây thân leo. Chúng thường được trồng trong chậu treo ở ban công nhà hoặc quán coffee. Loài hoa này mang đến những điều tốt lành cho gia chủ, lại có sức sống mạnh mẽ nên được nhiều người ưa chuộng.
Lan Cẩm Cù ưa độ ẩm cao nhưng cũng chịu hạn rất tốt. Vì thế mà người trồng phải phụ thuộc mùa mà tưới lượng nước hợp lý để cây phát triển tốt. Đặc biệt, loài lan này rất dễ trồng và chúng ít bị sâu hại tấn công.
Lan Dendro
Lan Dendro có tên khoa học là Dendrobium Antennatum. Chúng xuất xứ từ Thái Lan nhưng lại được trồng nhiều ở Việt Nam. Dendrobium hiện đã có hơn 1.600 loài lan khác nhau và phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới.
Lan Dendro được nhiều dân ta yêu thích vì chúng có nhiều màu sắc đa dạng và cũng dễ chăm sóc hơn các loài hoa khác. Quả lan Dendrobium thuộc loại quả nang, khi nở ra sẽ theo 3 đến 6 đường nứt dọc.
Đây cũng là giống lan ưa ấm, nhiệt độ thích hợp để cây phát triển là 27 đến 32°C vào ban ngày và 16 đến 18°C khi đêm xuống. Giá thể trồng cây tốt nhất là thân gỗ, xơ dừa. Loài hoa này thường được trồng trong chậu hoặc treo ở các quán coffee, hành lang để trang trí làm cảnh.
Lan Ngọc Điểm
Lan Ngọc Điểm có rất nhiều tên gọi khác nhau như lan đai châu, lan nghinh xuân, lan đuôi rồng,… Chúng phân bố chủ yếu ở cao nguyên Nam Trung Bộ. Điểm đặc biệt nhất của lan là tỏa hương thơm ngào ngạt và ra hoa vào đúng dịp tết.
Lan Ngọc Điểm là một giống lan không hề khó trồng và chắm sóc. Đặc biệt, bạn phải đảm bảo cho bộ rễ phát triển tốt thì cây mới hấp thụ phân và nước đầy đủ. Loài lan này cho ra những chùm bông dày đặc với nhiều màu sắc rất đẹp.
Chúng thường được trưng bày trong không gian phòng khách. Hoa khi nở có hương thơm dịu nhẹ nhưng lại đằm thắm, làm ngất ngây lòng người.
Phong lan hoàng thảo
Hoàng thảo với đặc tính cho ra cả trăm bông hoa với đa dạng màu sắc từ hồng, trắng, đỏ, tím… Điều này sẽ thỏa nguyện ước mơ chiêm ngưỡng lan của những người yêu thích cái đẹp.
Đây là giống hoa rất dễ trồng vì chúng có bộ rễ khỏe. Đặc tính của lan hoàng thảo là vươn dài để đón nhận ánh nắng cũng như các chất dinh dưỡng để có thể duy trì sự sống. Thông thường, người ta sẽ ghép cây vào bảng dớn hoặc gỗ khúc. Tuy nhiên, bạn có thể trồng trong chậu với vỏ thông xơ dừa cũng rất tốt.
Theo đó, người ta sẽ tiến hành ghép lan vào mùa đông khi thấy lá cây đã rụng nhiều. Các mắt ngủ lúc này đang ngậm nụ ở bên trong cho đến khi chồi non ra rễ.
Bạn nên cho lan hoàng thảo tiếp xúc với ánh nắng qua một lớp lưới thái từ khi bắt đầu ghép để làm cho lứa cây con khỏe mạnh hơn. Nếu tiến hành ghép nhiều trong mùa đông thì qua Tết âm sẽ cây sẽ ra hoa.
Lan Trần Tuấn
Lan Trần Tuấn là loài lan đặc hữu ở Việt Nam. Chúng được phân bố chủ yếu ở nhiều các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt là ở tỉnh Sơn La. Cây được phát hiện lần đầu tiên và đặt tên bởi anh Trần Tuấn Anh. Ngoài cái tên Việt Nam thì chúng còn có tên khoa học đầy đủ là Dendrobium Tuananhii.
Đây là loài lan mới lạ nhưng lại vô cùng đẹp và quý hiếm. Cây cho ra hoa suốt mùa xuân và nở từ gốc đến tận ngọn. Kích thước hoa to vừa phải và có màu tím xen chút hồng.
Lan Trần Tuấn là giống lan hoàng thảo có kích thước khá nhỏ nhắn. Khi trưởng thành, chúng có thể đạt chiều cao từ 15cm đến 30cm. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của giống lan này là thân thủ của cây siêu dẹp. Thân mọc thành nhiều đốt ngắn, trên mỗi đốt sẽ nổi rõ ba đường kẻ thẳng vô cùng độc lạ. Thân lá còn mang màu xanh nõn chuối rất đặc trưng.
Lan trầm tím
Phong lan trầm tím còn được giới khoa học gọi là Dendrobium Nestor. Chúng vốn là loài cây được tạo ra bằng phương pháp lai tạo giữa lan hoàng thảo tím và lan phi điệp tím. Do đó mà loài lan này có đầy đủ các đặc điểm của cả hai loại hoa lan tím trên.
Lan trầm tím thừa hưởng nhiều đặc điểm nổi bật và có hình dạng tương đồng với lan phi điệp tím. Chúng là giống lan sống phụ sinh trên những cây thân gỗ trong tự nhiên.
Lan trầm tím có thân tương đối ngắn và hoa màu đậm hơn lan phi điệp. Chúng có nét đẹp vô cùng đặc biệt và thu hút mọi ánh nhìn. Và cũng nhờ là giống cây lai tạo nên dòng lan trầm tím có thể trồng được ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.
So với các giống lan thông thường, lan trầm tím có thân ngắn hơn. Chúng chỉ dài trung bình từ 30 đến 40cm, đường kính khoảng 1cm. Khi trưởng thành, vỏ cây sẽ từ màu xanh chuyển dần sang trắng đục.
Giống như loài phi điệp thì lan trầm tím cũng sẽ mọc rủ xuống. Nhưng chúng có thân căng mọng và chắc chắn hơn rất nhiều. Thân cây có bề ngoài hơi sần sùi chứ không nhẵn bóng.
Lá trầm tím có dạng đơn, hình thoi, bản lá to và mọc so le với nhau trên các đốt. Mỗi khi tới mùa hoa, lá cây sẽ rụng dần và mọc hoa tại các đốt này. Lan trầm tím có lá rất dài, trung bình từ 8cm đến 10cm. Trên bề mặt mỗi lá đều có các đường dọc mờ màu trắng đục.
Cây có bộ rễ chùm hút nước, phần đầu thường có màu xanh kết hợp tím hoặc trắng. Phần rễ còn lại thì có màu trắng ngà vô cùng bắt mắt.
Xem thêm >>> Khám Phá Vẻ đẹp Các Loại Lan Hồ điệp
Kỹ thuật trồng hoa phong lan đúng cách
Cách thiết kế và bố trí vườn trồng hoa phong lan
Cách bố trí
- Trồng treo trên giàn: Tạo cảm giác thông thoáng giúp lan phát triển đều, nhanh chóng, dễ chăm sóc và có thể di chuyển khi cần thiết. Thuận lợi cho việc chăm sóc cây nếu bạn có nhiều chi phí làm dây treo. Ngoài ra, cách này rất phù hợp với những gia đình có diện tích nhỏ.
- Trồng cây trên sạp: Có thể trồng được nhiều cây, khi hoa nở trông sẽ rất đẹp. Tuy nhiên, cách này có khó khăn trong việc chăm sóc và dễ lây lan mầm bệnh hơn so với cách trồng lan treo.
Vị trí trồng
- Trồng trên sân thượng: Đây là vị trí lý tưởng về độ thông thoáng, ánh nắng cho lan. Tuy nhiên, bạn cần chú ý về chế độ gió để tránh làm tổn hại cây. Nên giăng lưới xanh đen để che nắng và trồng theo kiểu treo giàn để tạo sự thông thoáng tốt, giảm bớt sự bốc hơi nóng vào buổi trưa hè. Ngoài ra, bạn có thể đặt thêm các chậu cảnh, trồng rau, quả,… để giảm hơi nóng nhé.
- Trồng ở ban công: Ban công đón ánh sáng hoặc nắng chiều là vị trí lý tưởng để bạn trồng những giò lan xinh xắn. Vừa tạo điểm nhấn cho không gian vừa giúp cây phát triển khỏe mạnh.
- Trồng trong sân vườn: Cách này tốt hơn trồng ở ban công hay trên sân thượng. Bởi độ thông thoáng cao và thuận tiện trong quá trình chăm sóc. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý đến vấn đề phòng trừ sâu bệnh cho cây, nhất là vào mùa mưa nhiều.
Cách chọn giống lan
Tiêu chuẩn chọn giống
Nếu là người mới chơi hoa, bạn nên mua giống lan rừng trưởng thành, đã được thuần trong vườn nhà càng tốt vì chúng sẽ dễ trồng hơn. Có thể chọn mua keiki (tức phần cây con mọc từ thân già) về trồng nhưng rủi ro sẽ khá cao do bạn chưa có kinh nghiệm nên cây dễ chết, khó phát triển, và phải chờ vài mùa mới cho ra hoa.
Hiện thị trường có nhiều nguồn cung cấp lan giống tốt. Bạn có thể mua trực tiếp hoặc qua mạng trên các hội nhóm bán hoa phong lan.
Chọn giống theo mùa nở hoa
- Giống lan thường nở hoa vào mùa Xuân (Cymbidium, Dendrobium), mùa Hạ (Stanhopea) hay mùa Thu (Paphiopedilum).
- Một số cây tuy cùng chung loài nhưng lại nở hoa vào thời điểm khác nhau. Ví dụ như Phalaenopsis, Epidendrum hay Cattleya.
- Có những giống lan nở hoa bất cứ thời điểm nào trong năm. Chẳng hạn như Brassavola nodosa, Epidendrum ibaguense, Epidendrum radicans. Đa số là những cây lai giống nhiều lần như: Phalaenopsis, Cattleya, Epicat… nên sẽ ra hoa bất cứ khi nào cây đã trưởng thành.
Chọn những giống hoa lâu tàn
Hoa phong lan thường sẽ tàn sau khoảng 2-3 tuần phụ thuộc vào nhiệt độ. Nếu quá nóng thì hoa sẽ sớm tàn và nếu lạnh xuống khoảng 10°C sẽ lâu tàn hơn. Cụ thể:
- Cymbidium (địa lan), Renanthera (hoa lan phượng vĩ) hoa sẽ tàn trong khoảng 8 – 10 tuần
- Phalaenopsis (;an hồ điệp) có khi 10 đến 13 tuần mới tàn và hoa nở liên tiếp tới 3 đến 4 tháng.
- Dendrobium lai màu xanh tím sẽ chơi được từ 8 – 10 tuần.
- Cattleya tàn sau 2 – 4 tuần tùy theo giống.
- Paphiopedilum (lan hài) nở trong khoảng từ 4 – 8 tuần.
- Psychopsis ra hoa trong 3 – 4 tuần và nở liên tiếp trong mấy tháng liền.
- Vanda, Mokara sẽ từ 3 – 6 tuần.
Những giống nào có cánh hoa dày thường sẽ lâu tàn hơn những giống có cánh hoa mỏng. Đặc biệt, lan Grammatophyllum multiflorum phải 8 đến 10 tháng mới tàn. Ngược lại, Sobralia và Stanhopea chỉ chơi được 2 – 3 ngày là đã tàn.
Xem thêm >>> {Cập Nhật} Các Loại Thuốc Kích Hoa Lan Nhanh Nở Mới Nhất
Cách trồng hoa lan trong chậu tại nhà
Cách chọn chậu
Chậu trồng phong lan phải có lỗ thoát nước tốt. Bạn nên trồng vào những chậu đất nung sẽ giúp cho cây phát triển tốt hơn.
Trước khi trồng hoa, phải rửa chậu thật sạch. Giá thể trồng phải thoát nước tốt, chẳng hạn như: vỏ cây, rêu, xơ dừa, viên đất nung, than…
Một số lưu ý khi chọn giá thể
- Vỏ cây có độ thoát nước và khả năng chống úng rất tốt. Nhưng chúng lại phân hủy rất nhanh chóng.
- Rêu giữ độ ẩm tốt hơn nhưng dễ đóng vào thành chậu nên bạn cần cần thay chậu mới thường xuyên.
- Xơ dừa trước khi sử dụng cần phải ngâm xả để làm sạch Tanin và Lignin.
- Với viên đất nung size lớn thì bạn nên ngâm trong nước cho sạch bụi rồi mới sử dụng. Loại giá thể này rất khó phân hủy. Do đó mà có thể tái sử dụng bằng cách ngâm với nước trừ nấm để khử sạch bệnh nhé.
Tiến hành trồng hoa lan trong chậu tại nhà
- Bước 1: Đầu tiên, bạn cho giá thể đã chọn vào khoảng 1/4 chậu. Cho giá thể có kích thước lớn như viên đất nung hoặc vỏ dừa xuống đáy trước. Sau đó có thể thêm rêu, mụn dừa, dớn,… vào đến 1/2 chậu để tăng độ ẩm cho lan. Tiếp đến cho thêm giá thể nhỏ lên đầy chậu, đảm bảo giá thể trong chậu cách mép chậu từ 2 – 3cm.
- Bước 2: Bạn cắm cọc (đũa, tre,…) vào quanh mép chậu đối với lan đa thân. Còn với lan đơn thân thì chỉ cần cắm một cây vào giữa chậu. Mục đích của cọc là giúp đỡ thân lan đứng vững, dễ thuần với giá thể hơn. Tiếp theo, dùng dây buộc nhẹ thân lan vào cọc sao cho hướng phát triển của cành luôn hướng vào chính giữa chậu.
- Bước 3: Đối với cây lan mới trồng nên giảm ánh sáng bằng lưới xanh đen của Thái hoặc để trong mái hiên. Đến khi rễ non phát triển mạnh thì mới chuyển dần sang nơi có ánh sáng tốt hơn.
Cách chăm sóc phong lan nhanh ra hoa
Hoa phong lan rất dễ chăm sóc nếu đảm bảo được đủ điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển.
Chiếu sáng
- Thiếu nắng thì phong lan gặp tình trạng vươn cao nhưng ốm yếu. Lá màu xanh đậm, ít nảy chồi, ra hoa kém và nhanh tàn
- Thừa nắng thì phong lan gặp tình trạng như thấp cây, lá vàng có vết nhăn, khô, mép lá có xu hướng cụp vào. Cây dễ ra hoa sớm nên chất lượng hoa kém và cây chậm phát triển.
- Nắng quá gắt sẽ khiến lá cây bị cháy, khô dần rồi chết.
- Tùy vào loại phong lan và tuổi cây mà có yêu cầu khác nhau về độ chiếu sáng. Tốt nhất là bạn nên bố trí vườn theo hướng Tây – Nam để phong lan nhận được ánh sáng đầy đủ nhất.
- Dựa trên độ tuổi của lan mà chúng ta sẽ có những cách chiếu sáng cho phù hợp. Một số loại lan điển hình ít chịu được nắng như: Lan Hồ Điệp (30% nắng), Lan Cattleya (50% nắng) và lan Vanda lá hẹp (70% nắng).
- Việc chiếu ánh nắng còn tùy thuộc vào từng đoạn phát triển của cây. Đối với lan con từ 0 đến 10 tháng thì bạn chỉ cần chiếu sáng khoảng 50%. Lan nhỡ hơn từ ngoài 12 đến 18 tháng có thể chịu ánh sáng được đến 80%.
Phân bón
Khi lan có đầy đủ dinh dưỡng thì cây sẽ tươi tốt, ra nhiều hoa, hoa to đẹp và lâu tàn. Trong khi đó, thiếu dinh dưỡng sẽ khiến cây còi cọc, kém phát triển, không hoặc ít có hoa.
Hoa phong lan cần 13 chất dinh dưỡng khoáng, thuộc các nhóm đa, trung và vi lượng. Lưu ý rằng chỉ nên bón vừa đủ cho cây, không bón quá nhiều bởi có thể gây chết.
Tưới nước
Nước tưới cho phong lan không được quá mặn, phèn hay clo và có độ pH dao động từ 5 – 6. Cây sẽ trở nên khô héo, giả hành teo lại và lá rụng nhiều khi thiếu nước. Thừa nước thì phong lan dễ bị thối đọt gây chết cây. Rễ có rong rêu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và vi sinh vật phát triển
Thời điểm tưới thích hợp cho lan phù hợp nhất là vào sáng sớm hoặc chiều mát. Đặc biệt, bạn không được tưới vào buổi trưa khi trời đang nắng gắt, nhiệt độ cao nhé.
Sau những trận mưa lâu ngày thì cần tưới lại ngay để giảm bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá. Nên tưới dạng phun sương hằng ngày khi độ ẩm dưới 40% và đo độ ẩm bằng dụng cụ bán phổ biến trên thị trường.
Loại bỏ cành khi hoa đã tàn
Hầu hết các loài lan có đặc tính không nở hoa quá một lần trên cùng một cành, trừ lan hồ điệp. Để duy trì sức khỏe cho cây, sau mỗi đợt hoa thì bạn cần tiến hành cắt bỏ cành như sau:
- Đối với lan hồ điệp: Bạn cắt cành ngay bên trên hai mắt ngủ dưới cùng khi hoa tàn.
- Đối với các loài lan có củ bẹ thì cắt cành ngay bên trên củ bẹ.
- Đối với các loại lan khác thì cắt cành càng sát xuống giá thể càng tốt
Cách làm lan ra hoa
Kích phong lan ra hoa an toàn và hiệu quả là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố như ánh sáng, nhiệt độ, nước tưới, phân bón,… Nếu cây đã đạt đến độ tuổi ra hoa mà bạn vẫn chưa thấy ra thì có thể sử dụng thuốc để kích thích lan. Một số loại thuốc được nhiều nhà vườn dùng và hiệu quả như:
- Thuốc kích thích lan ra hoa Ethrel: Loại này có tác dụng kích thích hoa lan và các loại thực vật khác được viện sinh học khuyên dùng.
- Thuốc kích thích lan ra hoa Dekamon 22.43L: Kích thích sự sinh trưởng ở hoa lan, giúp vừa ra rễ nhanh và ra hoa đẹp.
- Đạm cá humic, siêu lân
- Chế phẩm đậu tương, dịch chuối trứng
- Các loại GE hữu cơ: GE chuối, GE nha đam
Tổng kết
Như vậy, Lanhodiep.vn đã tổng hợp toàn bộ thông tin chi tiết và cách nhận biết các loại hoa phong lan qua bài viết trên. Chúng tôi hy vọng bạn đã chọn cho mình được một mẫu hoa lan đẹp. Và nhanh chóng có một chậu lan đẹp như ý nhé.