Lan hồ điệp là loài hoa rất được yêu thích bởi sở hữu vẻ đẹp thanh lịch, yêu kiều và được đánh giá là dễ chăm sóc hơn các giống lan khác. Tuy nhiên, để trồng lan mang lại hiệu quả, người trồng cần phải trang bị những kiến thức nhất định. Để hiểu rõ hơn về cách trồng lan hồ điệp, hãy cùng lanhodiep.vn tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Giới thiệu
Lan hồ điệp chắc hẳn là cái tên không còn quá xa lạ đối với những người yêu và thích chơi lan. Lan hồ điệp được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa, với vẻ đẹp thanh tao, nó thu hút và làm say đắm bất cứ ai mỗi khi ngắm nhìn.
Theo quan niệm phương Đông, lan hồ điệp mang những ý nghĩa vô cùng tốt đẹp. Chúng tượng trưng cho tình yêu, sự may mắn, sung túc nên thường được mua mang đi tặng để truyền tải những thông điệp một cách tinh tế, nhẹ nhàng. Hoặc được dùng để trưng bày trong các dịp lễ, Tết với mong muốn mang lại phú quý và tài lộc cho gia chủ.
Hoa lan hồ điệp có vẻ đẹp sang trọng, quý phái cùng mùi hương nhẹ. Những người chơi lan lâu năm cũng cho biết loài hoa này rất lâu tàn. Chính vì vậy, có nhiều người rất quan tâm đến cách trồng và chăm sóc hoa lan.
Hoa lan hồ điệp là gì?
Lan hồ điệp có tên khoa học là Phalaenopsis, thuộc họ lan Orchid Orchidaceae. Theo tiếng Latin, Phalaen có nghĩa là con bướm, opsis có nghĩa là giống như. Lan hồ điệp là một loại lan đơn thân, cây nguyên giống nở hoa và mùa đông xuân, cây lai có thể nở hoa quanh năm.
Trong tự nhiên, lan hồ điệp phân bố chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới của Châu Á. Theo thống kê cho thấy, hiện nay có khoảng hơn 60 loài lan hồ điệp khác nhau trên khắp thế giới. Ở Việt Nam hiện nay ghi nhận khoảng 5 giống lan hồ điệp thuần, hầu hết có hoa nhỏ nhưng màu sắc sặc sỡ và độc đáo.
Lan hồ điệp có lá to và mọng nước, mỗi cây có khoảng 5 – 10 lá. Cuống hoa dài, uốn cong mềm mại và có hoa mọc đối xứng hai bên từ gốc đến ngọn. Ngoài ra, hoa lan hồ điệp có nhiều màu sắc khác nhau, đặc biệt cánh hoa có các đường vân hoặc đốm màu càng làm tô điểm thêm cho vẻ đẹp của cây.
Lan hồ điệp có rất nhiều loại, dựa vào màu sắc có thể chia thành: lan hồ điệp trắng, lan hồ điệp tím, lan hồ điệp vàng,… Dựa vào kích thước có thể chia thành lan hồ điệp lớn, lan hồ điệp nhỏ, lan hồ điệp trung bình. Ngoài ra còn có giống hoa rừng, hoa mini, mỗi loại mang một vẻ đẹp riêng.
Xem thêm >>> Cách Trồng Lan Hồ Điệp Bằng Than Củi “Chi Tiết – Dễ Thực Hiện Nhất”
Cách chăm sóc lan hồ điệp
Lan hồ điệp ngày nay được nhân giống rộng và đã tạo ra nhiều giống lai dễ trồng, dễ ra hoa hơn. Việc chăm sóc nhờ vào đó cũng dễ dàng hơn nhưng vẫn đòi hỏi một số yêu cầu nhất định như:
Ánh sáng
Ánh sáng là một trong những yếu tố thiết yếu để lan hồ điệp sinh trưởng và phát triển. Nếu lá cây có màu xanh đậm, có thể cây không nhận được đủ ánh sáng. Còn nếu lá vàng, úa thì có thể là bị cháy nắng do ánh nắng trực tiếp quá mạnh.
Trong tự nhiên, lan hồ điệp thường mọc bám vào các thân cây lớn, dưới tán lá nên không quen với ánh sáng trực tiếp. Để việc chăm sóc hoa được hiệu quả, bạn lưu ý chỉ nên đặt lan ở mức ánh sáng từ 50 – 70% và là ánh sáng tán xạ (gián tiếp).
Lan hồ điệp có thể trồng cả ở trong nhà và ngoài trời, vị trí hợp lý là ở gần cửa sổ, hành lang hoặc dưới cầu thang. Nếu trồng trong nhà kính, cần dùng vải hoặc lưới để che bớt, tránh ánh nắng chiếu vào trực tiếp. Khi cây bị bụi bẩn bám vào, nên dùng khăn lau sạch để đây được hấp thụ ánh sáng một cách tốt nhất.
Ánh sáng nhân tạo
Nếu không có đủ ánh sáng tự nhiên, bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng ánh sáng nhân tạo. Việc này không làm ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của cây mà còn giúp bạn có thể dễ dàng điều chỉnh lượng ánh sáng sao cho phù hợp để cây được phát triển tốt hơn.
Các đèn chiếu nhân tạo được khuyến khích đặt ở phía trên của cây, cách khoảng 30cm. Loại đèn nên dùng là đèn ống huỳnh quang (40 – 75W tùy vào chiều dài) và sử dụng để chiếu sáng từ 12 – 16 tiếng 1 ngày.
Nhiệt độ và độ ẩm
Nhiệt độ và độ ẩm đóng vai trò rất quan trọng với quá trình sinh trưởng, phát triển của lan hồ điệp. Nhiệt độ và độ ẩm càng cao thì càng cần luồng khí luân chuyển để ngăn ngừa nấm và các loại bệnh.
Về nhiệt độ
Nhiệt độ thích hợp để trồng lan hồ điệp là khoảng từ 18 – 27 độ vào ban ngày. Ban đêm nên duy trì ở mức nhiệt 13 – 18 độ. Nhiệt độ quá thấp cây sẽ khó hấp thụ các chất dinh dưỡng và dễ bị chết. Vào những ngày hè nắng nóng, bạn nên di chuyển cây vào chỗ mát để tránh làm cây mất nước.
Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng có thể khiến cây bị rụng nụ nên cần lưu ý. Nếu muốn lan hồ điệp nở hoa đúng dịp tết thì mùa thu cần duy trì nhiệt độ khoảng 16 độ C trong thời gian liên tục 3 tuần.
Về độ ẩm
Trong môi trường tự nhiên, lan hồ điệp thường sống ở những nơi ẩm ướt. Chính vì vậy, loại hoa này ưa môi trường có độ ẩm cao. Độ ẩm lý tưởng để trồng lan hồ điệp là từ 50 – 80%.
Nếu độ ẩm trong không khí không đủ tiêu chuẩn để chăm sóc cho cây, bạn có thể tự cải thiện bằng các phương pháp đơn giản. Độ ẩm thấp có thể tưới thêm cho cây, dùng màn che để hạn chế sự thoát hơi. Bạn cũng có thể dùng nước và đá cuội đặt vào chậu cây, đảm bảo rễ không chạm nước để tăng độ ẩm. Trường hợp độ ẩm cao có thể đặt cây ở vị trí thông thoáng hơn.
Tưới nước
Lan hồ điệp ưa độ ẩm cao nhưng bạn cũng không cần tưới quá nhiều nước để tránh làm thối rễ cây. Tùy vào điều kiện thời tiết mà bạn bổ sung lượng nước thích hợp cho cây.
Vào mùa hè, thời gian tưới nước có thể thường xuyên hơn, từ 2 – 3 ngày 1 lần. Còn đối với mùa đông, thời gian tưới có thể là 1 tuần hoặc 10 – 12 ngày 1 lần. Thời gian tưới cây phù hợp là vào buổi sáng, lượng nước tùy thuộc vào giá thể đang sử dụng.
Ngoài ra, nên đặt cây ở nơi thông thoáng và tưới nhẹ nhàng vào gốc cây từ 3 – 4 lần trong vòng 10 phút để cây có thời gian hấp thụ. Sau đó, đảm bảo cây đã hoàn toàn thoát nước khi treo lên. Không nên tưới hoặc để mưa trực tiếp làm ướt lá, tránh gây nấm và thối lá.
Xem thêm >>> Hướng Dẫn Chi Tiết Cách Trồng Lan Hồ Điệp Bằng Xơ Dừa
Phân bón
Cây rất cần dinh dưỡng để phát triển và nở hoa, nên sử dụng phân bón rất quan trọng. Việc bón phân nên được tiến hành vào mùa hè, khi cây đang trong giai đoạn tăng trưởng. Mùa đông thì ít khi phải bón phân hơn.
Lan được trồng trong giá thể, thường là than, vỏ cây nên không giữ được độ ẩm và chất dinh dưỡng như đất. Chính vì vậy, bạn chỉ nên dùng phân bón dành riêng cho cây lan với tỷ lệ nhất định.
Loại phân phù hợp với lan hồ điệp là phân NPK tỷ lệ 14 – 14 – 14. Cây đang ra hoa thì cần sử dụng phân có hàm lượng photpho cao hơn (10 – 30 – 20). Trước khi tiến hành bón phân, cây cần tưới nước đầy đủ. Nên bón một lượng và phải, không cần bón phân quá thường xuyên sẽ không tốt cho cây.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, cây cũng có thể mắc một số bệnh gây hại. Để ngăn ngừa tình trạng này, cần dùng một số loại thuốc đặc trị và tiến hành chăm sóc kỹ càng để cây tiếp tục phát triển.
Cắt tỉa và bảo dưỡng
Lan hồ điệp có thể phát triển và ra hoa liên tục trong vong vòng nhiều năm nếu được chăm sóc và bảo dưỡng đúng cách. Bên cạnh đó bạn cũng nên cắt tỉa định kỳ, loại bỏ hết các phần lá già cỗi hay có dấu hiệu của sâu bệnh.
Có thể cắt tỉa những cây lan trưởng thành mỗi năm 1 lần sau khi hoa đã tàn. Bạn nên dùng kéo cắt ngồng hoa, cách mắt ngủ cuối khoảng 3cm. Không nên cắt quá sát cuống, điều này dễ làm cây nhanh thối. Phần mắt ngủ để lại có thể mọc ra cây con nếu được chăm sóc tốt.
Phần lá bị bệnh nên dùng dao sắc cắt phần bị hỏng hoặc bỏ toàn bộ. Đối với rễ cây, thực hiện cắt bỏ hết những phần rễ cũ đã chết hoặc bị hư hỏng. Những phần rễ khỏe mạnh cắt ngắn lại còn khoảng 12cm sau đó cho vào chậu, lấp đầy lại bằng giá thể, không để cho rễ mọc ra ngoài.
Sau khi cắt tỉa, đặt cây ở nơi khô thoáng, tránh mưa. Để cây khô 3 ngày sau đó thì tưới đẫm cây 1 lần. Bạn có thể bón phân, dùng B1 hoặc các thuốc như atonic pha loãng với nước để tưới.
Kích thích ra hoa
Lan hồ điệp thường xuyên cho ra hoa và hoa khá lâu tàn. Nếu cây lớn và khỏe mạnh trong một thời gian dài nhưng lại không ra hoa, bạn nên chuyển cây đến nơi thông thoáng và mát mẻ hơn. Với mức nhiệt độ thấp, cây sẽ dễ ra hoa hơn.
Sau khi hoa tàn, muốn cây nhanh cho hoa lại có thể dùng cách cắt bỏ cuống hoa. Phương pháp này rất hiệu quả nếu cuống hoa đã già và có màu nâu. Còn nếu cuống đang còn xanh, bạn chỉ nên cắt một đốt trên cuống hoa. Đoạn cành được cắt nên có độ dài từ 10 – 12cm để giúp hình thành cành mới. Sau khi cắt cần chăm sóc thật kỹ càng để đảm bảo ra hoa sớm.
Thay chậu
Lan hồ điệp có thời gian sống rất dài, việc thay chậu nên được thực hiện khi cây có kích thước lớn hơn hoặc khi giá thể tích nước gây thối rễ, xuất hiện rêu, nấm.
Nếu cây phát triển và ra hoa bình thường, bạn không cần thay chậu quá nhiều lần, chỉ nên khoảng 1 – 2 năm một lần. Thời gian thay chậu thích hợp là vào mùa xuân hoặc khi hoa vừa tàn.
Khi cây phát triển, mọc thêm nhiều nhánh và rễ mới, diện tích chậu không đủ để chứa thì sẽ tiến hành thay chậu. Cách thực hiện là đưa cây ra khỏi chậu, loại bỏ hết giá thể cũ vướng ở rễ, cắt bỏ rễ chết, rễ hỏng và các phần lá vàng, úa rồi chuyển sang giá thể và chậu mới. Sau khi thay chậu, nên để cây trong bóng mát và tưới nước sau 3 ngày.
Chăm sóc hàng ngày
Đối với cây con còn yếu, cần đặt ở nơi thông gió, tưới đủ nước. Ngoài ra cũng nên duy trì nhiệt độ ở 23 độ và không nên bón phân.
Đối với cây trưởng thành, cần duy trì ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp như đã đề cập phía trên để cây phát triển tốt và ra nhiều hoa. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, nếu phát hiện sâu bệnh cần lập tức xử lý, tránh để lan ra cả cây.
Xem thêm >>> Hướng Dẫn Cách Trồng Lan Hồ Điệp Bằng Vỏ Thông Đầy Đủ, Chi Tiết
Nhân giống lan hồ điệp
Lan hồ điệp có thể nhân giống bằng hạt nhưng việc này đòi hỏi chuyên môn cao được thực hiện bởi các chuyên gia trong phòng thí nghiệm.
Thông thường, để tiến hành nhân giống lan hồ điệp, người ta sử dụng các phương pháp sau:
Phương pháp keiki
Đây là phương pháp phổ biến nhất dùng để nhân giống lan hồ điệp. Lan hồ điệp có thể mọc thêm cây con mới từ các mắt của nhánh hoa đã tàn, chúng được gọi là keiki. Thời điểm tốt nhất để nhân giống bằng phương pháp này là khi hoa tàn độ 2/3 ngồng hoa. Cách tiến hành:
- Dùng dao sắc cắt ngồng hoa, cách mắt 1 – 3cm. Bôi daconil hoặc thuốc chống bệnh vào vết cắt, để khô trong 2 – 3 ngày.
- Lấy bông hoặc vải mềm quấn quanh các mắt ngồng và bón phân cho cây mẹ.
- Sau 2 – 3 tuần, cây con sẽ xuất hiện, đợi đến khi cây được 4 – 6 cm có thể tách ra khỏi cây mẹ.
Phương pháp ép đẻ cây con
Để có thể sử dụng phương pháp này, phải chọn cây có hơn 3 năm tuổi. Cách thực hiện:
- Cắt ngồng hoa, dùng phân 20 – 20 – 20 gia thêm antonic 1/1000 và rootplex 1/2000 để tưới cho cây mẹ, hạn chế tưới thêm nước.
- Dùng dây điện có lõi đồng để quấn quanh thân cây mẹ, thắt ngay dưới lá thứ nhất nếu gốc cao. Không nên quấn quá chặt sẽ làm cây chết, cũng không nên quấn lỏng, sẽ không ra được cây con.
- Tiếp tục bón phân và chăm sóc cho cây mẹ, chồi cây con sẽ mọc ở điểm thắt sau 1 – 2 tháng
- Sau khi cây con mọc 1cm thì có thể tháo dây thắt, chăm sóc như thường. Khi cây con lớn, có rễ khỏe mạnh thì tiến hành tách cây.
Kích thích tố để nhân giống lan
Đây là phương pháp nhân giống mang lại hiệu quả nhanh nhưng giá thành khá cao và yêu cầu liều lượng chính xác.
Dùng dung dịch kích thích pha sẵn phun lên lá và rễ, sau 1 tháng sử dụng thuốc sẽ có dấu hiệu mọc chồi. Để chắc chắn, có thể phun 2 lần cách nhau 5 ngày. Thuốc được dùng là Cytokinin được pha với nồng độ 5 phần triệu ppm.
Tạo chồi từ cành
Để tạo chồi, cần cắt bỏ phần ngọn của phát hoa sau khi hoa nở, chừa lại 2 – 3 mắt tính từ gốc. Những mắt này sau đó sẽ mọc ra chồi non, nếu muốn nhanh có thể dùng chất kích thích để tạo chồi. Sau khi bôi thuốc từ 6 – 8 tuần, cây con sẽ mọc ra, khi cây ra rễ sẽ tách ra để trồng.
Các vấn đề khi trồng lan hồ điệp cần chú ý
Trong quá trình trồng lan hồ điệp, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
- Nếu hoa ra nụ nhưng không nở mà rụng đi thì có thể đã có sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ ẩm. Cần duy trì các điều kiện sống của hoa một cách ổn định.
- Cây đủ ánh sáng sẽ có lá màu xanh, dày và bóng. Nếu thiếu ánh sáng, lá thường dài, mỏng, có màu xanh thẫm. Ngược lại, nếu hấp thụ quá nhiều ánh sáng, lá cây có màu nhạt và có các mảng màu nâu.
- Trồng lan trong phòng máy lạnh, hoa sẽ lâu tàn hơn, nhưng nếu nhiệt độ thay đổi đột ngột nhiều thì hoa lại nhanh tàn và dễ thối nụ.
- Nếu bón phân cho cây dùng giá thể là xơ dừa, cần tưới rửa định kỳ để tránh muối đọng lại ở giá thể gây nấm, bệnh.
- Cây có thể gặp tình trạng bệnh, lúc này cần cắt bỏ phần bị ảnh hưởng (lá, rễ hoặc hoa) tránh để lan ra các phần khác.
Xem thêm >>> Cách Trồng Lan Hồ Điệp Bằng Vỏ Thông Và Ưu Điểm Của Phương Pháp Trồng
Kết luận
Việc trồng lan đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết và cẩn thận. Hy vọng những thông tin trên của lanhodiep.vn sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình trồng và chăm sóc lan hồ điệp để đạt được kết quả như mong muốn nhé!