Lan Kiều Là Gì? Đặc Điểm Và Phân Loại Chi Tiết Hoa Lan Kiều

Hiện nay, chơi hoa lan kiều đang trở thành thú vui tao nhã của nhiều dân sành lan. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu rõ các loại lan kiều để có cách trồng và chăm sóc cây đúng cách. Trong bài viết dưới đây, Lanhodiep.vn sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về đặc điểm của từng loại lan kiều kèm theo cách chăm sóc để có được chậu lan kiều đẹp và khỏe mạnh nhất cho bạn nhé!

Giới thiệu về cây lan kiều

Giới Thiệu Về Cây Lan Kiều
Giới Thiệu Về Cây Lan Kiều

Lan kiều là loài hoa mang nét đẹp đặc trưng của vùng núi rừng tinh khôi, mang lại cho chúng ta cảm giác gần gũi, mộc mạc và thân thuộc. Chúng có vẻ ngoài đơn giản, màu sắc nhẹ nhàng nhưng để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng người ngắm. Bên cạnh đó hoa lan kiều hay còn còn được gọi với cái tên khác rất đẹp là hoa lan thủy tiên.

Ngày nay, hoa lan kiều có rất nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như: Hoa lan kiều tím, lan kiều vuông, lan kiều dẹt, lan kiều tua… Vẻ đẹp của mỗi loại lan kiều dù khác nhau nhưng vẫn được rất nhiều người chơi lan ưa thích.

Đặc điểm của lan kiều

Khi trồng lan, đầu tiên chúng ta phải hiểu được đặc tính của nó thì mới có thể chăm sóc phù hợp. Và dòng phong lan kiều cũng không phải là ngoại lệ. Hầu hết các loài phong lan kiều đều ưa thích giá thể ẩm, đảm bảo được độ thoáng, ưa nắng với nền nhiệt từ 20-35 độ C. Ngoại trừ dòng lan kiều dẹt là ưa nền nhiệt mát mẻ hơn một chút, từ 20-28 độ C. Lan kiều ưa nắng tầm khoảng 60-70% nên bạn có thể treo chậu cây dưới một lớp lưới xanh là ổn.

Đặc Điểm Của Lan Kiều
Đặc Điểm Của Lan Kiều

Ngày nay, phong lan kiều có rất nhiều loại khác nhau, từ lan kiều vàng, kiều vuông, kiều tím đến kiều môi tua,  kiều dẹt, kiều mỡ gà… Chúng có đặc điểm khá giống nhau nên bạn có thể dễ dàng thuần hóa, chăm sóc.

Hoa lan kiều hiện đang phân bố rộng khắp cả nước, kể cả ở những vùng có khí hậu nắng nóng hay mưa nhiều thì cây vẫn có thể phát triển ổn định.

Xem thêm >>> Lan kiều tím – Cách trồng cây ra hoa nhanh chóng, đúng dịp tết

Phân loại các dòng lan kiều phổ biến hiện nay

Dưới đây là tổng hợp những giống hoa lan kiều phổ biến hiện nay:

Phong lan kiều tím

Lan kiều tím được đánh giá là một trong những loại lan đẹp nhất trong họ thủy tiên. Với những chùm hoa to, dài hơn một gang tay người lớn, bông nở chi chít khiến cho cây có vẻ ngoài rất nổi bật. Đặc điểm nhận dạng của dòng lan kiều tím khá đơn giản: Cánh hoa màu hồng hoặc màu tím nhạt, lưỡi hoa có màu cam. Chính vì những đặc điểm này mà ở một số nơi, lan kiều tím còn được mọi người gọi là lan kiều hồng.

Cách phân biệt dòng lan kiều tím khi chưa có hoa rất dễ dàng. Lan kiều tím thuộc loại thân to nhất dòng họ nhà kiều, lá dày, cứng. Với những người mới chơi lan, khi sờ vào lá lan kiều tím sẽ có cảm giác cứng cáp giống như lá giả vậy. Bởi vì đặc điểm này mà lan kiều tím có thể coi là loại cây có sức sống mạnh mẽ nhất trong tất cả các loài kiều.

Phong Lan Kiều Tím
Phong Lan Kiều Tím

Dựa vào đặc điểm vùng miền và khí hậu mà dòng lan kiều tím còn được phân thành nhiều loại khác nhau như lan kiều tím Thái Nguyên, kiều tím Bắc, kiều tím Sơn La, kiều tím Thanh Hóa… Các loại lan kiều tím này có đặc điểm chung là khuôn bông to, cánh hoa màu tím sẫm. Những loại lan này thường được người ta bán theo thân tơ, mỗi thân sẽ có giá giao động từ 120.000-150.000đ.

Loại kiều tím có màu nhạt hơn thường được mọi người gọi là lan kiều hồng. Nguồn gốc của cây chủ yếu là từ khu vực miền Trung. Chính vì thế mà bạn có thể gọi là lan kiều hồng hoặc lan kiều miền Trung cũng đều đúng. Đặc điểm của lan kiều tím miền Trung là bông thưa, hoa có kích thước nhỏ, cánh hoa chỉ hơi tím ở viền cánh và ngồng hoa màu tím.

Lan kiều vàng

Việc sở hữu một chậu lan kiều vàng to đẹp là mơ ước của rất nhiều người. Hiện nay, dòng lan kiều vàng khá phổ biến và được nhiều người chơi hoa ưa thích. Lan kiều vàng cho ra hoa khá đẹp, bông hoa trắng, họng vàng tươi và có mùi thơm nhẹ. Tuy nhiên, lan kiều vàng cho hoa không giữ được lâu, chỉ được từ 5-7 ngày hoặc căng nhất được 10 ngày là hoa đã tàn hết. Với một chậu lan kiều vàng to, hoa sẽ thay nhau nở nên có thể kéo dài thời gian ngắm hoa của mỗi chậu lên tới 1 tháng. Chính vì thế, lan kiều vàng nhanh tàn không phải là vấn đề quá lớn đối với người chơi lan.

Cách phân biệt hoa lan kiều vàng cũng không quá khó khăn. Kiều vàng có thân tròn, cứng cáp màu xanh chứ không màu tím như loài kiều tím. Thân cây dài khoảng 30-60cm, có nhiều rãnh chạy dọc thân. Mỗi thân được phân thành nhiều đốt, ở đầu thân thường có khoảng 3-5 chiếc lá mỏng chứ không dày và cứng như dòng lan kiều tím. Hiện nay, giá hoa lan kiều vàng thường dao động từ 140.000-150.000/kg.

Lan kiều vuông

Lan kiều vuông hay còn được biết đến với cái tên khác là kiều trắng hoặc thủy tiên trắng. Đặc điểm nhận biết dòng kiều vuông chính là ở hình thái thân. Chúng có thân khá ngắn, chỉ khoảng 15-30cm, thân vuông đúng như tên gọi và chia thành 4 cạnh. Lan kiều vuông có lá khá mỏng và mềm giống như lan kiều vàng.

Lan Kiều Vuông
Lan Kiều Vuông

Lan kiều vuông có hoa khá giống với lan kiều vàng. Tuy nhiên vẫn có sự khác nhau nhẹ nếu chúng ta quan sát kỹ. Cánh hoa lan kiều vàng và lan kiều vuông có màu trắng giống nhau. Tuy nhiên, lưỡi hoa kiều vàng sẽ có màu vàng sậm trong khi đầu lưỡi hoa kiều vuông lại có màu trắng. Chính vì thế, khi ngắm hoa, bạn sẽ cảm nhận được hoa kiều vàng có sắc vàng nhiều hơn so với lan kiều vuông. Đây cũng là lý do mà người ta hay gọi lan kiều vuông là thủy tiên trắng. Điều đặc biệt nữa là lan kiều vuông có khả năng kích hoa vào dịp Tết Nguyên Đán nên được nhiều gia đình trồng và trưng bày trong phòng khách.

Lan kiều dẹt

Lan kiều dẹt là loại kiều có hoa và thân dễ phân biệt hơn cả. Đúng như tên gọi của chúng, kiều dẹt có phần thân dẹt, bẹp với hai bên lá đối xứng nhau. Loại lan này thường nở thành chùm màu vàng tươi và có mùi thơm nhẹ.

Hiện nay, lan kiều dẹt là giống lan hiếm nên giá thành thường khá cao, giao động từ 500.000-600.000đ/kg. Để sở hữu một giò lan kiều dẹt là điều không hề dễ dàng, chính vì thế bạn hãy chăm sóc chúng thật cẩn thận nhé.

Lan kiều mỡ gà

Lan Kiều Mỡ Gà
Lan Kiều Mỡ Gà

Lan kiều mỡ gà có phần thân khá vuông chứ không tròn như thân của lan kiều vàng. Tuy nhiên, kiều mỡ gà cũng không có thân vuông và sắc như lan kiều vuông. Phong lan kiều mỡ gà cho chùm hoa màu vàng rực rỡ nổi bật. Có thể nói, kiều mỡ gà là một trong những loài lan kiều thu hút được sự chú ý của người chơi lan nhất. Chính vì vậy mà nhiều người chơi thường đặt chậu lan kiều mỡ gà trong phòng khách để đón nhiều may mắn.

Lan kiều tua

Có lẽ đây là loài hoa lan khác biệt nhất trong những loại kiều chúng tôi đã đề cập phía trên. Phần thân lan kiều tua phình ra một chút ở giữa và thon gọn ở phần gốc và ngọn. Khi còn nhỏ và chưa có hoa, lan kiều môi tua thường bị nhiều người nhầm lẫn với lan bạch câu. Tuy nhiên, lan bạch câu có phần ngọn dài và lá mỏng hơn.

Kiều tua cao khoảng 50cm, hoa nở vào mùa Xuân hoặc Thu. Phong lan kiều tua cho ra hoa thành chùm với sắc vàng tươi óng và đặc trưng là lưỡi hoa có tua đúng như tên gọi.

Cách trồng hoa lan kiều

Để trồng hoa lan kiều cho ra hiệu quả tốt nhất, bạn cần lưu ý những điều dưới đây:

Chọn hình thức trồng lan

Lựa chọn chậu để trồng hoa lan

Lan Kiều
Lựa Chọn Chậu Để Trồng Lan Kiều
  • Ngày nay có rất nhiều loại chậu được dùng để trồng lan kiều như chậu đất nung, chậu nhựa, hay cũng có thể trồng lan trong quả dừa khô.
  • Những chậu trồng lan kiều cần phải có nhiều lỗ để đảm bảo độ thông thoáng cũng như thoát nước tốt.

Trồng lan kiều trong dớn bảng

Dớn bảng là một loại chất trồng lan được lấy từ rễ của cây dương xỉ rừng. Chúng thường có màu nâu, đen, khối lượng rất nhẹ vì đã được phơi khô. Dớn bảng khai thác ở rừng thường có hình trụ tròn và có nhiều rễ dương xỉ nhỏ bám xung quanh thân, xẻ nhỏ để ghép vào các loại hoa lan. Dớn bảng có hàm lượng chất dinh dưỡng khá cao, giúp cho cây sinh trưởng và giữ ẩm tốt. Hiện nay, dớn bảng là một trong những vật liệu phổ biến được nhiều người lựa chọn để trồng lan kiều..

Ghép lan kiều vào gỗ

Rễ lan kiều rất nhạy cảm, khi tiếp xúc với tinh dầu hay mủ cây rất dễ bị thối. Vì vậy, bạn nên ghép lan vào một số loại gỗ tốt như gỗ lũa, gỗ lim, gỗ xoan, gỗ nhãn, gỗ vú sữa, gỗ mít, gỗ bạch đàn, gỗ bưởi, gỗ dừa, gỗ hương, gỗ hồng xiêm, gỗ me, gỗ xoài, gỗ ổi, gỗ vải…

Để tìm được loại gỗ trồng lan chất lượng, phù hợp bạn cần hiểu rõ đặc tính từng loại gỗ để khi ghép lan vào, cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt nhất.

Chọn giống cây lan kiều con

Lan Kiều
Chọn Giống Cây Lan Kiều Con

Chậu hoa lan kiều có phát triển khỏe mạnh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chọn giống cây. Một số điểm mà bạn cần phải lưu ý khi chọn giống lan kiều tốt gồm:

  • Chọn mua những bụi lan kiều lớn để khi trồng cây sẽ phát triển khỏe mạnh và ra nhiều hoa đẹp.
  • Lá cây phải thật xanh tốt và không bị đốm hay dập nát.
  • Thân cây thẳng, to, mập mạp, mắt ở gốc hướng lên phía trên.

Làm giá thể trồng lan

Lan kiều là loài lan rừng, ưa thoáng nên bạn phải chọn những giá thể trồng lan đáp ứng được điều kiện sinh trưởng của cây. Bạn có thể chọn giá thể dớn hoặc tự trộn giá thể trồng cho lan kiều để cây có đủ dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển và sinh trưởng.

Dớn là loại không bị đóng rêu và có khả năng hút ẩm rất tốt nên được nhiều người chọn làm giá thể để trồng lan và ghép lan kiều. Bạn có thể lựa chọn loại dớn sợi, dớn cắt khúc, dớn vụn, dớn bảng, dớn đĩa, dớn trụ hoặc dớn trắng.

  • Dớn vụn: Dớn vụn chính là những phần non của dớn. Chúng có khả năng giữ ẩm tốt, thông thoáng và giữ phân bón hiệu quả.
  • Dớn trắng: Dớn trắng là loại dớn được nhập khẩu vào Việt Nam trong những năm gần đây. Chúng thường được dùng để kết hợp chung với các loại giá thể khác, chẳng hạn như than củi, vỏ thông…để giúp cây có nhiều dinh dưỡng cho quá trình phát triển.
  • Dớn bảng, dớn đĩa và dớn trụ: Chúng được lấy từ những cây có tuổi thọ cao, được cắt thành những khoanh nhỏ hoặc bảng có kích thước khác nhau để thuận tiện cho công việc ghép hoặc trồng lan
  • Dớn sợi, dớn cắt khúc: Đây chính là loại dớn già, hóa mộc có dạng từng sợi được nhiều người trồng lan kiều ưa chuộng.

Một lưu ý nhỏ là khi sử dụng dớn làm giá thể trồng cây, bạn cần phải có chế độ chăm sóc cho phù hợp, tránh để lan bị bệnh bởi nấm độc. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lựa chọn than củi đập nhỏ, rêu rừng đã qua xử lý hoặc mùn cưa của các loại gỗ cây nhãn, vú sữa… được bọc một lớp vải mỏng bên ngoài để trồng lan kiều.

Tuy nhiên, bạn không nên trồng lan kiều trên giá thể gỗ lũa bởi sẽ khiến cây phát triển kém, quá trình vận chuyển cũng khá khó khăn.

Xử lý giống lan

Lan Kiều
Xử Lý Cây Kiều Giống
  • Bước 1: Bạn tiến hành cắt tỉa bớt những phần rễ già và đã khô, để lại một khúc rễ ngắn khoảng 1,5 cm để gắn lên dớn. Sau đó, cắt bỏ thêm đoạn giả hành bị gãy dập, ngắt bỏ những chiếc lá bị vàng. Hoặc bạn cũng có thể để bộ rễ lại và cắt sau khi đã ghép cây lên dớn.
  • Bước 2: Bạn lấy dao tách từng miếng giả hành lại thành từng cặp. Chú ý để ý đến vị trí mắt ngủ để không cắt phạm vào mắt ngủ, ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm của mắt. Hoặc bạn có thể dùng cách khác là tách riêng từng miếng giả hành ra. Theo kinh nghiệm của người trồng lan kiều lâu năm thì nên tách giả hành đơn lẻ rồi nuôi mầm mới.
  • Bước 3: Ngâm toàn bộ giống lan kiều muốn trồng trong nước vôi khoảng 15 phút hoặc ngâm với Physan (mua tại các cửa hàng nông nghiệp) với nồng độ 1ml pha với 1 lít nước (ngâm trong khoảng 10-15 phút). Sau đó, bạn tiến hành vớt ra và để cho ráo nước. Tiếp đến, ngâm thêm với phân bón kích ra rễ (N3M), kích nảy mầm nhanh (Atonik) để tăng khả năng sống sót cho cây nhé.  Bạn nên lựa chọn các chế phẩm chuyên dùng cho lan kiều tại cửa hàng uy tín về nông nghiệp. Nếu trường hợp bạn thấy cây lan kiều đã ra rễ thì không cần phải ngâm thêm chất kích rễ nữa. Sau khi ngâm vớt ra để khô ráo rồi mới có thể ghép được.

Các bước trồng lan

Dưới đây là 3 cách trồng lan khác nhau mà bạn có thể tham khảo:

Trồng lan trong dớn bảng

  • Xử lý giá thể dớn bảng

Bạn tiến hành ngâm dớn trong nước vôi (pha theo tỷ lệ 100 gam vôi với 10 lít nước) trong khoảng 30 phút đến 3 ngày. Mục đích của việc này là để dung hòa Acid có trong dớn, loại bỏ các loại nấm khuẩn và côn trùng gây hại như ốc sên, cuốn chiếu, mối, kiến… Nếu bạn có thể ngâm lâu hơn thì còn giúp diệt trừ thêm cỏ dại còn tồn dư lại.

Xử Lý Giá Thể Dớn Bảng
Xử Lý Giá Thể Dớn Bảng

Nếu bạn muốn kĩ hơn nữa và có nhiều thời gian thì nên đem dớn đi luộc trong nước vôi, hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều đấy. Sau khi đã ngâm dớn trong vôi, bạn sẽ tiến hành rửa lại thật sạch bằng nước và mang phơi ráo ở nơi thoáng mát rồi mới tiến hành ghép cây lan lên.

  • Cách ghép lan vào dớn bảng

Trước khi ghép, bạn cần chia các giống ra theo độ dài và kích thước riêng. Ghép có sự tương đồng về độ dài ngắn thì miếng dớn sẽ đẹp hơn.

Bạn tiến hành làm móc đầu tiên và đảm bảo độ dài từ dớn bảng đến lưới che cách nhau một khoảng 1,2 m trong điều kiện lạnh hoặc xa hơn khoảng 1,5 m trong điều kiện ở nơi nóng bức. Dùng móc lớn để đảm bảo chậu lan khi treo không bị rớt xuống nhé

Tiếp đến, bạn dùng dây thép bẻ cong như hình chữ U và gắn vào đoạn rễ sao cho mắt ngủ của giả hành hướng ra ngoài. Nên chuẩn bị thêm một cọng dây chữ U nữa để cố định giả hành vào bảng, tạo lực ép không quá mạnh cũng không quá yếu để không làm dập giả hành. Đặc biệt, cần chú ý bạn ghép càng chắc thì rễ sẽ càng nhanh bám và cây lan kiều con sẽ càng khỏe hơn.

Cách trồng hoa lan trong chậu

Sau khi đã chọn được giống lan kiều phù hợp, bạn cần chuẩn bị chậu trồng kích thước cân đối và giá thể tốt rồi mới tiến hành trồng lan.

Bạn cho giá thể vào khoảng 1/5 chậu, nên cho những loại giá thể có kích thước lớn hơn xuống phần đáy trước. Những loại giá thể có kích thước vừa và nhỏ thì để ở giữa và phía trên. Bên cạnh đó luôn phải  đảm bảo lượng giá thể trong chậu thấp hơn so với mép chậu từ 1-2 cm nhé.

Lưu ý khi trồng không được cho gốc cây nằm ở sát đáy chậu mà chỉ để lưng chừng giữa lớp giá thể. Trên mặt thì phủ thêm một lớp xơ dừa hoặc dớn để tăng độ ẩm cho cây.

Đối với những cây lan kiều mới trồng nên được che nắng, giảm ánh sáng. Đến khi rễ non phát triển thì mới chuyển cây sang vị trí có ánh sáng tốt hơn.

Cách ghép lan vào gỗ

Khi đã chọn được loại gỗ phù hợp với cây lan kiều thì bạn tiến hành xử lý gỗ và ghép cây lan vào.

  • Xử lý gỗ để ghép lan vào

Sau khi mua cây giống về, bạn hãy tiến hành cắt tỉa phần rễ, lá, thân bị dập nát đi. Sau đó ngâm vào dung dịch Physan, Benkona trong khoảng 15-20 phút để sát khuẩn rồi vớt ra để ráo.

Xử Lý Gỗ Ghép Lan
Xử Lý Gỗ Ghép Lan

Đối với gỗ để ghép lan cần phải được rửa sạch, dùng dao cạo sạch lớp vỏ bên ngoài để loại bỏ rêu, bụi bẩn, sâu bọ, vi khuẩn bám trên vỏ cây. Sau đó, bạn ngâm gỗ trong nước vôi loãng từ 3 đến 5 ngày để diệt khuẩn.

Sau khi ngâm trong vôi, bạn rửa sạch lại bằng nước rồi phơi khô từ 2 đến 3 ngày. Nếu có điều kiện, bạn có thể cho gỗ vào nước sôi và luộc chúng để tiêu diệt các vi khuẩn và các mầm bệnh có hại nhé.

  • Cách ghép lan vào gỗ

Hiện nay, có ba hình thức ghép lan trên gỗ phổ biến đó là gỗ tròn, gỗ bảng, và gỗ lũa. Với một khúc gỗ tròn dài thì bạn hãy úp rễ vào gỗ và dùng dây nhựa cột chặt cây vào thân để tránh bị lung lay.

Để duy trì độ ẩm giúp cây bám rễ tốt, bạn nên phủ lên gốc một ít rêu rừng, dớn mềm, dớn trắng hoặc dớn vụn.

Nếu ghép lan vào gỗ bảng thì bạn có thể khoan lỗ thủng để cây dễ bám rễ, thoáng gốc. Khoảng cách giữa các lỗ có thể từ 5-7cm phụ thuộc vào cách bố trí của bạn.

Bên cạnh đó, bạn có thể dùng súng bắn ghim để cố định rễ lan trên gỗ bảng. Hoặc dùng dây luồn qua các lỗ rồi cột chặt rễ lan, gốc lan vào thớt. Tuỳ vào hình dạng của gốc lan mà ốp vào cho sát mặt gỗ. Những vị trí trống thì có thể lót xơ dừa, rêu rừng, dớn mềm vào cho chắc và giữ ẩm tốt hơn.

Nguyên tắc cần nhớ khi trồng lan

  • Chọn loại giá thể phù hợp, có độ thông thoáng và giữ ẩm tốt
  • Chọn những cây lan kiều to khỏe, nhiều lá, bộ rễ to
  • Khử trùng sạch sẽ các thiết bị kéo, dao cắt tỉa cành cây
  • Sau khi trồng cần đặt cây ở những vị trí có độ thông thoáng tốt, tránh ánh nắng mặt trời và nước mưa.

Xem thêm >>> Lan trầm rồng đỏ: Loài hoa nữ hoàng này có gì đặc biệt?

Hướng dẫn chăm sóc lan kiều cho cây luôn tươi tốt

Để có được một chậu lan kiều đẹp với những bông nở to thì bạn cần phải lưu ý đến một số yếu tố như sau:

Tưới nước

Lan kiều vốn là loại hoa ưa độ ẩm cao nhưng bạn không nên tưới nước quá nhiều để tránh làm thối rễ cây. Phụ thuộc vào điều kiện thời tiết khác nhau mà bạn cần bổ sung lượng nước tưới thích hợp cho cây.

Tưới Nước Đầy Đủ Cho Cây
Tưới Nước Đầy Đủ Cho Cây

Vào những ngày mùa hè nóng bức, lan kiều cần nhiều nước nên hãy tưới nước thường xuyên hơn cho cây, khoảng 2-3 ngày/ lần. Khi trời chuyển sang đông giá rét, thời gian tưới có thể được điều chỉnh lên 1 tuần hoặc 9-12 ngày/ lần. Thời gian thích hợp để tưới nước cho lan kiều chính là vào buổi sáng sớm. Đặc biệt, lượng nước tưới sẽ phụ thuộc vào loại giá thể mà bạn đang sử dụng trồng lan.

Bên cạnh đó, bạn cần đặt chậu cây lan kiều ở những vị trí thoáng mát, có nhiều gió trời và tưới nhẹ nhàng vào gốc từ 3-4 lần trong vòng 10 phút để cây có thời gian hấp thụ. Tiếp đến, đảm bảo cây đã hoàn toàn thoát nước rồi mới treo lên giàn trên cao nhé. Tuyệt đối không tưới hoặc để nước mưa làm ướt lá gây tình trạng nấm hoặc úng thối lá.

Bón phân

Bất cứ loại cây nào cũng sẽ cần chất dinh dưỡng để có thể phát triển khỏe mạnh. Lan kiều cần phải được bón phân thường xuyên thì cây mới có ra nhiều hoa to, thơm và màu đậm. Việc bón phân nên được tiến hành vào khoảng thời gian mùa hè bởi đây là lúc mà cây sẽ bắt đầu giai đoạn sinh trưởng mạnh mẽ nhất trong năm.

Lan kiều được trồng trong giá thể nên không giữ được độ ẩm và chất dinh dưỡng tốt như trồng trong đất. Chính vì vậy, bạn chỉ nên dùng những phân bón thích hợp cho lan với tỷ lệ nhất định theo khuyến cáo của nhà sản xuất thôi nhé.

Bón Phân Thường Xuyên Cho Lan
Bón Phân Thường Xuyên Cho Lan

Loại phân bón yêu thích cho dòng lan kiều thường là phân NPK 14-14-14. Trong thời kỳ cây đang ra hoa thì bạn có thể sử dụng phân bón có hàm lượng Photpho cao hơn, chẳng hạn như NPK 10-30-20. Trước khi tiến hành bón phân, bạn cần phải tưới nước đầy đủ thì cây mới có thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt nhất. Nên bón một lượng vừa phải, tuyệt đối không được bón quá nhiều hoặc quá thường xuyên sẽ không tốt cho lan kiều.

Bên cạnh đó, loại lan này cũng rất dễ mắc phải một số bệnh hại nên bạn cần chuẩn bị sẵn một số loại thuốc đặc trị để phòng ngừa nhé.

Cắt tỉa cành

Lan kiều sẽ phát triển khỏe mạnh và ra hoa trong khoảng thời gian dài nếu được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận. Đặc biệt, bạn cần phải cắt tỉa cành định kỳ để loại bỏ hết các phần lá già cỗi, có dấu hiệu sâu bệnh cho cây.

Bạn có thể thực hiện việc tỉa cành cho cây lan kiều trưởng thành mỗi năm một lần sau khi hoa tàn. Dùng kéo đã được vệ sinh sạch sẽ để cắt ngồng hoa, cách vị trí mắt ngủ cuối khoảng 3cm. Không được cắt quá sát cuống bởi điều này dễ làm cây bị úng thối. Đối với phần mắt ngủ để lại sẽ mọc ra nhiều cây con nếu được chăm sóc tốt.

Đối với những lá bị bệnh, bạn có thể dùng kéo để cắt bỏ phần bị hỏng hoặc bỏ hoàn toàn. Tiếp đến, thực hiện cắt bỏ hết những phần rễ cũ đã chết cho cây. Đối với những phần rễ khỏe mạnh thì nên được cắt ngắn lại còn khoảng 12cm rồi mới cho vào chậu và lấp đầy lại bằng giá thể.

Sau khi cắt tỉa, bạn mang đặt cây ở vị trí thoáng mát, tránh ánh nắng và mưa nhiều. Để cây khô 3 ngày sau rồi mới tiến hành tưới đẫm cây 1 lần. Bên cạnh đó, bạn có thể bón phân, dùng B1 hoặc các thuốc như antoni pha loãng với nước để tưới cho lan kiều nhé.

Kích lan ra hoa

Lan kiều thường xuyên cho ra hoa và hoa chơi được trong một khoảng thời gian dài. Nếu cây lớn và khỏe mạnh nhưng không cho ra hoa thì bạn hãy chuyển cây đến vị trí thoáng mát hơn. Ở mức nhiệt độ thấp thì lan kiều sẽ dễ ra hoa hơn.

Sau khi hoa tàn, nếu bạn muốn cây nhanh cho hoa lại thì hãy tiến hành cắt bỏ phần cuống hoa. Phương pháp này thường mang lại hiệu quả cao nếu cuống hoa đã già và chuyển sang màu nâu sẫm. Còn nếu cuống hoa lan kiều vẫn còn đang xanh thì bạn chỉ nên cắt một đốt trên cuống có độ dài từ 10-12cm để giúp hình thành cây mới. Sau khi cắt, cây cần phải được chăm sóc tỉ mỉ để bảo đảm ra hoa to hơn.

Thay chậu mới

Lan kiều là một trong những dòng lan có thời gian sống rất dài nên việc thay chậu mới khi cây có kích thước lớn hơn hoặc khi giá thể tích nước gây thối rễ là điều vô cùng quan trọng.

Nếu cây vẫn phát triển khỏe mạnh và cho ra hoa bình thường thì bạn nhất thiết phải thay chậu quá nhiều lần. Thời gian thích hợp để thay chậu mới cho lan kiều chính là vào thời điểm mùa xuân, sau khi hoa đã tàn.

Thay Chậu Mới Cho Lan Kiều
Thay Chậu Mới Cho Lan Kiều

Khi lan phát triển và mọc thêm nhiều nhánh mới, diện tích của chậu cũ sẽ không đủ để phát triển thì cần tiến hành thay chậu mới. Cách thực hiện vô cùng đơn giản, bạn đưa lan ra khỏi chậu, loại bỏ hết những phần giá thể cũ vướng ở rễ, tiến hành cắt bỏ rễ chết, rễ hỏng và các phần lá vàng úa. Sau khi thay chậu, bạn để lan trong bóng mát và tưới nước sau 3 ngày.

Như vậy, Lanhodiep.vn đã giúp bạn tìm hiểu chi tiết những thông tin mới nhất về dòng lan kiều qua bài viết trên. Đây là một loài hoa mang vẻ đẹp sang trọng, quý phái, rất thích hợp trưng bày trong phòng khách gia đình. Vì vậy, bạn hãy nhanh tay chọn lựa những chậu hoa lan đẹp nhất tại cửa hàng hoa của chúng tôi nhé.

Đánh giá