Lan hồ điệp là một trong những loài hoa yêu kiều, sang chảnh và được rất nhiều dân chơi hoa yêu thích. Vậy loài hoa này có nguồn gốc từ đâu, mang những đặc điểm gì? Trong bài viết này lanhodiep.vn sẽ cho bạn biết tất cả những thông tin về chi lan hồ điệp nhé!
Giới thiệu về chi lan hồ điệp
Để nắm bắt được kỹ hơn thông tin về loài lan này, bạn có thể tham khảo những thông tin dưới đây:
Lịch sử và nguồn gốc của chi lan hồ điệp
Hoa lan hồ điệp có nguồn gốc là loài hoa phong lan ở các nước Đông Nam Á, phân bố chủ yếu ở dãy núi Himalaya và vùng núi của Philippines. Loài hoa này được tìm thấy đầu tiên vào năm 1750 bởi ông Rumphius. Sau nhiều lần đổi tên, loài hoa này có tên gọi chính thức như hiện tại từ năm 1825. Tên gọi lan hồ điệp (tên khoa học là Phalaenopsis amabilis) được đặt bởi một nhà thực vật học người Hà Lan tên Blume.
Họ, chi và phân loại lan hồ điệp
Lan hồ điệp là một chi thực vật thuộc họ lan gồm khoảng 60 loài khác nhau. Ngoài ra, từ 60 loài thuần chủng này, lan hồ điệp còn được lai tạo thành nhiều giống lan khác nhau.
Phân loại lan hồ điệp: Khi phân loại theo nguồn gốc thì lan hồ điệp được chia thành hai nhóm chính đó là lan hồ điệp rừng và lan hồ điệp công nghiệp. Các loại lan hồ điệp công nghiệp lại được tiếp tục nhân giống, lai tạo thành nhiều giống lan khác nhau.
- Lan hồ điệp rừng: Đây là loại lan hồ điệp sống trong tự nhiên và là giống lan thuần chủng nhất, có cành, lá nhỏ hơn các loại lan hồ điệp thông thường và không quá đa dạng về màu sắc. Tuy nhiên, ưu điểm của lan hồ điệp rừng là rất dễ chăm sóc và không đòi hỏi quá nhiều về kĩ thuật khi chăm bón cho cây.
- Lan hồ điệp công nghiệp: Lan hồ điệp công nghiệp được phát triển trong những phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, được theo dõi sát sao và đảm bảo nghiêm ngặt về nhiệt độ, độ ẩm. Bằng các công nghệ lai tạo, người ta đã tạo ra một số loại lan hồ điệp công nghiệp như: lan hồ điệp thường, lan hồ điệp mini (tiểu hồ điệp) và lan hồ điệp mãn thiên.
Xem thêm >>> Chậu Lan Hồ điệp đẹp Mang ý Nghĩa Sâu Sắc
Đặc điểm của chi hoa lan hồ điệp
Lan hồ điệp được mệnh danh là hoàng hậu của các loài hoa lan nhờ vẻ đẹp thanh tao, sang trọng và thuần khiết. Hầu hết các giống lan hồ điệp đều không có mùi hương. Tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ. Một vài loại hoa lan hồ điệp có mùi thơm nhẹ nhàng tương tự mùi hoa hồng hoặc mùi hương ngọt ngào của cam, quýt.
Về đặc điểm sinh học, các loài thuộc chi lan hồ điệp là thực vật biểu sinh nên chúng thường phát triển trên các loại cây khác hoặc các phiến đá chứ không mọc và phát triển trên đất như đa số các loại hoa.
Về cấu tạo, lá hoa lan hồ điệp thường mọc sát cuống và các bông hoa sẽ mọc ở phần ngọn cành. Bên cạnh đó, hoa lan hồ điệp khá đa dạng về màu sắc. Một số loại lan hồ điệp rừng còn có các đốm chấm bi hoặc các sọc dọc các cánh hoa. Hiện nay, những màu hoa lan hồ điệp được ưa chuộng và phổ biến nhất là: vàng, tím, trắng.
Lan hồ điệp có độc với con người và động vật không?
Lan hồ điệp hoàn toàn vô hại với cả động vật và con người. Đây là loại hoa được những dân chơi hoa chuyên nghiệp hay những người “sành hoa” cực kì săn đón. Ngoài ra, loài hoa này còn là “địa điểm” yêu thích của những loài thụ phấn như ong, bướm. Vì vậy, không những không có độc mà loài hoa này còn rất có giá trị với cuộc sống con người và thế giới sinh vật.
Xem thêm >>> Lan Hồ Điệp Mini Trắng: Đặc điểm, ý Nghĩa, Cách Chăm Sóc
Các loại và giống lan hồ điệp phổ biến
Như đã giới thiệu ở trên, lan hồ điệp bao gồm một số giống là lan hồ điệp thường, tiểu hồ điệp và lan hồ điệp mãn thiên thuộc loại lan hồ điệp công nghiệp.
Lan hồ điệp thường
Lan hồ điệp thường là giống lan hồ điệp có lá khá to và các thân cành thường là những cành đơn lẻ chứ không mọc thành một chùm hay một cụm như nhiều loài hoa khác.
Loại lan hồ điệp này có những bông hoa to, màu sắc đa dạng do được pha trộn giữa nhiều màu sắc khác nhau từ màu của các giống nguyên thuỷ. Ngày nay, hoa lan hồ điệp không ngừng được lai tạo để tạo thêm nhiều màu hoa độc đáo và đặc sắc hơn.
Tiểu lan hồ điệp
Tiểu lan hồ điệp (lan hồ điệp mini) có chiều dài thân khoảng 15-20cm. Điểm khác biệt của tiểu lan hồ điệp so với các giống hồ điệp khác là có đường gân nổi rõ ở bề mặt dưới lá. Ngoài ra, vì cành nhỏ nên các bông hoa cũng khá bé và là các bông đơn lẻ chứ không tạo thành một dải.
Lan hồ điệp mãn thiên
Lan hồ điệp mãn thiên hay còn được gọi là mãn thiên hồng, có thể được coi là loài lan đẹp nhất trong các giống lan hồ điệp. Giống lan này có đặc điểm đặc trưng là màu hồng tím nổi bật từ bông đến các nụ. Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ lai tạo, mãn thiên hồng đã có thêm rất nhiều màu sắc khác nhau chứ không chỉ có màu hồng tím như giống nguyên thuỷ.
Công dụng và lợi ích của lan hồ điệp
- Lan hồ điệp có công dụng chính là dùng để trang trí bởi loại hoa này có vẻ đẹp thuần khiết, tinh tế có thể phù hợp với mọi không gian trong nhà.
- Bên cạnh đó, một lí do khác khiến lan hồ điệp được yêu thích đó là loại hoa này có những ý nghĩa rất tốt về phong thuỷ như: mang lại may mắn, niềm vui và thu hút tài lộc
- Ngoài ra, hoa lan hồ điệp còn tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở và sự viên mãn. Do đó việc đặt một chậu lan hồ điệp trong nhà sẽ giúp thu hút thêm nhiều điều may mắn cho gia chủ.
Xem thêm >>> {Giải Mã} Hoa Lan Dendro Là Gì – Ý Nghĩa Và Cách Chăm Sóc Chi Tiết Nhất
Ý nghĩa của hoa lan hồ điệp
Hoa lan hồ điệp có những ý nghĩa tốt đẹp đối với cuộc sống con người:
- Lan hồ điệp là biểu tượng của sắc đẹp và sự thịnh vượng. Những cây lan hồ điệp với vẻ đẹp thanh tao mà không kém phần sang trọng không chỉ như một vật trang trí mà còn là “cây sinh lộc” cho gia đình. Ngoài ra, những chậu lan hồ điệp sẽ giúp không khí trong gia đình luôn hoà thuận, vui vẻ và giúp cuộc sống vợ chồng viên mãn hơn.
- Không chỉ có vậy, lan hồ điệp còn được nhiều người trồng coi như “một thỏi nam châm” thu hút nhiều vận may và giúp công việc của gia chủ luôn được suôn sẻ và thuận lợi.
Cách trồng và chăm sóc lan hồ điệp tại nhà
Lan hồ điệp là một trong những loài hoa yêu kiều, đẹp đẽ nhưng khá khó trong khâu chăm sóc. Dưới đây là các khâu chăm sóc và trồng hoa lan mà bạn đọc có thể tham khảo:
Cách trồng lan hồ điệp
Chọn vị trí trồng
Điều kiện đầu tiên để trồng lan hồ điệp đó là phải có một không gian đủ rộng và mát mẻ. Môi trường là yếu tố rất quan trọng với sự phát triển của loài hoa này do đó nếu trồng cây ở những vị trí cao, hứng nắng như sân thượng hay ban công thì cần đảm bảo che chắn thật tốt để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây làm cháy lá.
Chọn giá thể
Giá thể chính là môi trường sống trực tiếp của chi lan hồ điệp do đó việc lựa chọn giá thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Giá thể trồng lan hồ điệp phải đáp ứng đủ các tiêu chí: tơi, xốp, thoáng khí nhưng phải giữ được nước tốt để cây luôn đủ ẩm. Một số giá thể trồng lan hồ điệp hiệu quả nhất hiện nay đó là: dớn, mùn cây, than bùn khô, đá nhỏ.
Chọn chậu
- Kích thước của chậu cũng là một trong những yếu tố đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển của lan hồ điệp. Chậu trồng lan hồ điệp không được quá nhỏ hay quá sâu và phải có các lỗ thoáng khí để rễ có thể dễ dàng quang hợp.
- Khi mới trồng, cây còn bé thì nên chọn chậu có đường kính 5cm. Sau 4 đến 6 tháng, khi cây lớn hơn có thể chuyển sang chậu có đường kính 8cm và sau 9 tháng có thể trồng lan trong chậu rộng 12cm.
Cách chăm sóc lan hồ điệp
- Để lan hồ điệp tươi lâu thì ánh sáng, độ ẩm và nhiệt độ là những yếu tố vô cùng quan trọng. Lan là giống hoa cần nhiều ánh sáng nhưng lại rất kị ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào. Vì vậy, bạn nên để cây lan hồ điệp ở những nơi nhiều sáng như gần cửa sổ và những nơi thoáng khí. Đặc biệt hãy tránh những vị trí có quá nhiều ánh nắng mặt trời chiếu vào.
- Bên cạnh đó, lan hồ điệp cũng không phải loài hoa chịu nhiệt tốt. Loài lan này có thời gian nở lâu nhất ở môi trường nhiệt từ 18 đến 25 độ C. Đây là một điều cần đặc biệt lưu ý trong quy trình chăm sóc lan.
- Ngoài ra, độ ẩm thích hợp nhất cho hoa lan là từ 50 đến 60%. Nếu môi trường quá khô sẽ khiến lan nhanh hỏng, chóng tàn. Ngược lại, nếu môi trường quá ẩm thấp thì lan hồ điệp sẽ dễ bị thối cành và gốc.
- Đặc biệt, kỹ thuật tưới nước cũng rất quan trọng khi chăm lan. Nếu tưới nước cho lan quá nhiều và thường xuyên thì cây sẽ rất dễ chết bởi rễ lan hồ điệp rất “nhạy cảm” và dễ dàng bị úng khi được cấp ẩm quá nhiều.
- Bên cạnh đó, việc bón phân trong thời kỳ cây đang ra hoa cũng không cần thiết. Việc bón phân nên tiến hành sau khi cây úa tàn để khôi phục sức sống cho cây.
Trên đây là tất cả những điều bạn cần biết về chi lan hồ điệp cũng như cách trồng và chăm sóc loài hoa này tại nhà để chơi được lâu nhất. Hy vọng bài viết này của lanhodiep.vn đã mang lại cho bạn những thông tin bổ ích về loài lan này nhé!
Xem thêm >>> Chậu lan hồ điệp vàng đón Tết 150 cành phát tài, phát lộc