Đối với những người chơi lan hồ điệp hay đang nuôi trồng loài hoa này chắc hẳn đều đã đau đầu khi cây hoa của mình bị héo tàn, còi cọc hay thậm chí là chết cây. Vậy hãy cùng Lanhodiep.vn tìm hiểu về các bệnh thường gặp ở lan hồ điệp cũng như cách xử lý bệnh trong bài viết này nhé!
Các bệnh ở lan hồ điệp do nấm gây ra
Anthracnose – Bệnh đốm vòng
Biểu hiện của bệnh đốm vòng trên lan hồ điệp chính là trên lá cây sẽ xuất hiện những đốm tròn màu nâu đỏ hay nâu cháy, sau đó chúng lan rộng ra thành nhiều vòng tròn, dần dần khiến lá khô cháy. Tuỳ thuộc vào từng loại lan, từng môi trường sống nấm sinh trưởng, bệnh này sẽ có những vết to nhỏ khác nhau. Đặc biệt lá sẽ bị thối nếu sống trong môi trường mưa nhiều.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh đốm vòng ở lan hồ điệp chính là do 2 loại nấm Glocosporium sp. và Collectotrichum sp. Bệnh thường hình thành và phát triển vào mùa mưa. Để ngăn chặn chúng xuất hiện thì bạn cần theo dõi và cắt bỏ những chiếc lá nhiễm bệnh. Sau đó phun thuốc phòng ngừa cho lan. Bạn có thể tham khảo các chế phẩm như: Dithal, Vicaben, Mancozep,… theo tỷ lệ và liều lượng được hướng dẫn.
Leaf blight – Bệnh khô lá
Giống như bệnh đốm bòng, khô lá cũng là bênh thường gặp ở lan hồ điệp do nấm Phylostica gây ra – chúng sinh trưởng bởi bào tử và phát tán trong không khí nhờ gió. Và cây lan của bạn sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi gặp phải 2 loại bệnh này cùng một lúc.
Biểu hiện của bệnh khô lá là vào thời gian đầu, lá bắt đầu khô và dần chuyển sang màu vàng nhạt. Chúng thường bắt đầu bằng một chấm đen trên lá, cũng có thể suất hiện trên đầu lá và khô dần vào, hay cũng có thể bắt đầu từ gốc lá và lanh nhanh lên cuối cùng lá khô hết lá. Để khắc phục bệnh này, bạn có thể sử dụng thuốc Score hay Super Tilt phun định kỳ cho cây 5 ngày một lần theo tỷ lệ hướng dẫn cho đến khi cây hết bệnh. Và nhớ là loại bỏ đi những chiếc lá có biểu hiện bệnh để tránh nấm lan ra nhé.
Black rot – Bệnh thối đen
Bệnh này thường gặp phải khi mùa mưa, môi trường có độ ẩm cao hay khi bạn tưới cho lan quá nhiều nước. Chúng gây lên nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho lan hồ điệp. Cây bị chết nhanh chóng, số lượng cây chết khá lớn, đặc biệt là với cây non. Gốc, rễ là vị trí bệnh thường xuất hiện, sau đó lan dần tới thân cây. Hình thành ở chồi non, bệnh khiến chồi lan bị thối và chuyển sang màu nâu. Khi cầm vào thấy cây mềm nhũn và đầy nước.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh thối đen chính là nấm Phytophthora sp và một phần cho nấm Collectotrichum sp. Khi bạn bón phân cho cây, nếu không hoà tan hết phân bón sẽ làm cho cây bị bầm ngọn, từ đó nấm bệnh dễ dàng sâm nhập vào cây. Tưới phân có hàm lượng đạm cao vào mùa mưa cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh black rot.
Đối với những cây non, khi cây bị mắc bệnh, bạn cần tách riêng chúng với những cây khoẻ mạnh. Ngăn ngừa cho những cây còn lại bằng cách phun hoặc nhúng toàn bộ cây vào dung dịch thuốc nấm. Còn đối với cây trưởng thành, bạn cắt bỏ đi bộ phận bị bệnh sau đó thực hiện phun thuốc nấm. TopsinM, Kasumin, Score, CuzateM8, Super Tilt,… là những loại thuốc bạn có thể tham khảo sử dụng cho lan nhà mình.
Wilt – Bệnh héo rễ
Héo rễ là bệnh mạng lại trở ngại lớn cho người trồng lan hồ điệp, đặc biệt là người mới trồng, chưa có nhiều kinh nghiệm. Khi mắc bệnh, trong một khoảng thời gian ngắn rễ lan sẽ khô dần. Đối với cây non sẽ có biểu hiện lá úa vàng từ dưới lên và dần chết cây. Còn đối với cây đã trưởng thành, việc khô rễ sẽ khiến cây chậm phát triển, rễ càng khô thì cây càng yếu.
Do nấm Sclerotium rolfsii hay còn gọi là nấm hạch gây ra, chúng có thể sống ở môi trường trong thời gian dài. Khi gặp nhiệt độ cao, độ ẩm tốt, chúng sẽ sinh trưởng thành nấm sợi và lây lan bệnh rất nhanh. Vậy nên nếu bạn không phát hiện và khắc phục kịp thời sẽ khiến toàn bộ vườn bị hỏng. Khi cây bắt đầu mắc bệnh, hãy phun định kỳ 2 tuần 1 lần các loại thuốc như Sumi eight, Anvil,… vào gốc rễ của cây.
Các bệnh ở lan hồ điệp do vi khuẩn gây ra
Bacterial brow spot – Bệnh thối nẫu
Bệnh thối nâu ở lan hồ điệp là do vi khuẩn Phytomonas gây ra cùng với sự tổn thương cơ học trong mùa mưa. Khi mắc bệnh này, cây lan nhà bạn sẽ xuất hiện những chấm xanh đậm trên lá, có hình tròn và sau đó lan rộng ra trong thời gian ngắn. Những đốm đó dần chuyển sang màu nâu hoặc đen, mềm nhũn và chứa rất nhiều nước. Nếu không khắc phục kịp thời, những vết này sẽ lan ra toàn cây rất nhanh.
Để phòng tránh bệnh, bạn cần hạn chế những nguyên nhân khiến lan của bạn bị tổn thương cơ học trong thời điểm mùa mưa và giữ cho độ ẩm của vườn không được quá cao. Ngừng hẳn việc tưới nước cho cây trong khoảng 2 đến 3 ngày, sau đó dùng kháng sinh trong nông nghiệp cho cây như Agrimycin. Bạn có thể trị bệnh cho cây bằng việc hoà tan 1g Strep – tomycin + 1 viên Tetracylin với 1,5 lít nước và phun tưới cho cây.
Bacterial Soft and Brown Rot Erwinia – Bệnh thối mềm
Gây ra bởi vi khuẩn Erwinia Carotovora, thường xuất hiện ở các vườn lan có độ ẩm cao, không được chăm sóc thường xuyên và sinh trưởng mạnh vào mùa mưa. Vi khuẩn sẽ tấn công vào những vết thương hay những vết sau bọ cắn, sau đó lan ra với tốc độ rất nhanh. Cây có thể chết chỉ sau 2 đến 3 ngày mắc bệnh. Đầu tiên, trên đầu lá sẽ xuất hiện một chấm nhỏ được gây ra tác động cơ học rồi sau đó chúng lan nhanh thành màu nâu giống như bị bỏng nước sôi. Chỉ cần sờ tay vào lá bạn đã thấy dính, sau đó sẽ bị thối toàn bộ lá.
Để khắc phục, bạn hãy cắt bỏ toàn bộ phần bị bệnh, sau đó ngâm cây 10 phút trong dinh dịch Kasumin nồng độ 5g/ 1l. Hay có thể dùng Agrimycin hoặc 1g thuốc tím pha với 10l nước. Sau đó bạn ngừng việc tưới nước cho cây 2 – 3 ngày. Với trường hợp cây bị nhiễm bệnh nặng, nên đem cây ra khỏi chậu, ngâm cây với thuốc rồi chuyển sang chậu mới.
Bệnh do virus
Có thể bắt gặp virus gây ra bệnh sọc trắng trên hoa ở Cattleya. Bệnh virus thường lây lan qua dụng cụ tách chiết, những loại côn trùng châm hút gây hại rất nhanh. Lan thường có biểu hiện như lá đốm trong, màu xanh không đều, màu hoa không đều, có thể xen các vệt trắng, hoa nhỏ, cánh ngắn ngủn, thân cây thường cằn cỗi, khó phát triển. Bạn cần cách ly cây bị bệnh với những cây khoẻ. Cách khắc phục được xem là hiệu quả đó chính là đốt bỏ cây nhiễm bệnh, thường xuyên khử trùng dụng cụ tách chiết và vệ sinh vườn lan thật sạch.
Các bệnh do sâu hại ở lan hồ điệp
Nhện đỏ
Đây là loại côn trùng có kích thước khá nhỏ, ngắn hơn 0.5mm. Có dạng khá giống con rệp khi quan sát dưới kính hiển vi, có màu vàng lúc còn non và khi trưởng thành thì có màu đỏ. Chúng xuất hiện nhiều vào mùa khô, hay ẩn ở bộ phận bẹ lá của cây, nằm kín tại gốc lá. Cây lan có xuất hiện nhện đỏ thường bị héo lá và rụng.
Nhện đỏ sinh trưởng rất nhanh, bạn cần nhanh chóng tiêu diệt chúng khi phát hiện. Có một vài loại thuốc thường được sử dụng để tiêu diệt nhện đỏ như Nissorun, Commite, Polytrin,… Phun thuốc vào khoảng 8 – 9 giờ sáng khi có nắng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Bọ trĩ
Với kích thước khá nhỏ từ 1 – 5mm, xuất hiện trong những giá thể có cấu tạo bằng vỏ cây mục, xơ dừa, dớn vụn hay do dùng quá nhiều những loại phân hữu cơ như phân bò, bánh dầu,… Chúng rất ít khi xuất hiện trên cây lan nên bạn khó có thể phát hiện ra chúng.
Lan bị biến dạng, cánh hoa bị hư hại là những biểu hiện khi lan hồ điệp của bạn gặp phải bọ trĩ. Thức ăn của chúng chính là lá, chúng thường xâm hại vào chồi và đỉnh lan để hút nhựa. Bạn cần phun ngừa bệnh định kỳ 2 lần 1 tháng cho cây với những loại thuốc như Bassa nồng độ 20cc/8lit, confidor,…
Rệp con
Là sâu hại mà bạn cần đề phòng, chúng có màu nâu và thường hút nhựa ở lá lan đồng thời thải ra chất độc hại cho cây. Rệp con sinh sản rất nhanh nên bạn cần ngăn chặn loài này, hạn chế sự sinh trưởng của chúng. Để khắc phục loài này, phun định kỳ 1 tuần 1 lần các loại thuốc đặc trị như Lannate, Regent, Supracide,… theo tỷ lệ và liều lượng được hướng dẫn trên bao bì.
Nhớt, ốc sên
Thức ăn chính của 2 loại này chính là lá lan hồ điệp. Chúng phá hoại, ăn hết rễ non, lá cây và nhả ra những chất nhầy làm thối chồi non. Sử dụng thuốc diệt sên, nhớt để khắc phục tình trạng này. Bạn nên sử dụng thuốc vào thời điểm thời tiết ẩm để đạt hiệu quả cao nhất.
Trên đây là những bệnh thường gặp ở lan hồ điệp cũng như những biểu hiện và cách khắc phục từng bệnh đã được tổng hợp lại. Các bạn cần lưu ý để có thể phòng ngừa cho lan hồ điệp nhà mình. Đọc thêm nhiều bài viết bổ ích tại Lanhodiep.vn
Thông tin liên hệ:
- Địa chỉ 1: Số 188, Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội
- Địa chỉ 2: Số 583, Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội
- Số điện thoại: 0966 623 933 / 0888 736 788
- Fanpage: Hoa Lan Hồ Điệp Hà Nội
- Email: lanhodiep583@gmail.com
- Website: https://lanhodiep.vn/