Hoa lan Giả Hạc hay còn được biết đến với cái tên khác là Lan Phi Điệp. Chúng được nhiều người trồng lan yêu thích bởi vẻ đẹp sang trọng, quý phái. Tuy nhiên, đối với những người mới chơi lan thì chăm sóc Lan Giả Hạc đang còn là điều rất khó khăn. Bài viết sau đây, Lanhodiep.vn chia sẻ tới bạn cách trồng và chăm sóc loài lan này nhé.
Giới thiệu về hoa lan giả hạc
Đặc điểm nhận biết hoa lan giả hạc
Hoa lan giả hạc hay còn được biết đến với tên gọi khác là Lan Phi Điệp. Loài hoa này thuộc nhóm thực vật cây cảnh Lan Hoàng Thảo và được rất nhiều người yêu thích. Lan giả hạc là loài hoa được phân bố chủ yếu ở một số quốc gia như: Philippines, New Guinea, Borneo,… Loài phong lan này được tìm thấy phổ biến ở các khu vực rừng núi có độ cao cách mặt nước biển khoảng 750m.
Thông thường, hoa lan giả hạc sẽ có chiều cao từ 100 – 300 cm. Lá lan có hình thoi, thân có đốt, tạo cảm giác mềm mại trong mắt người nhìn. Lá cây màu xanh bóng và hoa có hương thơm dễ chịu, màu hồng đậm hoặc tím nhạt. Đôi khi cũng có sự biến đổi màu sắc theo điều kiện sinh sống.
Lan giả hạc sẽ nở trong vòng 3 – 4 tuần. Tuy nhiên, nếu gặp điều kiện thời tiết xấu thì hoa lan sẽ bị héo và có xu hướng rụng sớm. Mặt khác, nếu trong điều kiện khí hậu tốt thì thời gian nở của hoa sẽ được kéo dài hơn.
Đặc điểm sinh trưởng hoa lan giả hạc
-
Ánh sáng: Vườn trồng lan giả hạc cần phải cân đối lượng ánh sáng thật phù hợp. Khi cây mới ra hoa không được để giàn lan tiếp xúc với ánh sáng mặt trời bởi sẽ dễ làm cháy lá non, cây chậm phát triển. Bạn chỉ nên cho cây tiếp xúc với ánh nắng khi chuẩn bị ra hoa là thích hợp nhất.
-
Nhiệt độ: Lan giả hạc có khả năng thích ứng với nhiệt độ rất tốt. Cây chịu được khoảng 38 độ C vào mùa hè và khoảng 3 độ C vào mùa đông.
-
Độ ẩm: Vườn trồng cần phải thông thoáng và độ ẩm tốt nhất thì cây mới phát triển tốt. Độ ẩm lý tưởng là từ 60 – 70% vào mùa xuân và cuối đông và 80 – 90% vào mùa hè, thu.
-
Vật liệu trồng: Bạn có thể dùng xơ dừa, khúc gỗ, thân cây để trồng lan giả hạc hoặc bó vào dớn cũng đều phù hợp. Bên cạnh đó, có thể trồng lan trong chậu nhựa, chậu đất nung, chậu gỗ, chậu dớt có khả năng thoát nước tốt.
Phân loại các giống hoa lan giả hạc
Tuy là cùng một giống hoa Hoàng Thảo nhưng lan giả hạc cũng có nhiều loại khác nhau. Dưới đây, Lanhodiep.vn sẽ giới thiệu cho các bạn về cách nhận biết các loài lan giả hạc nhé.
Giả hạc vàng, giả hạc tím
Đối với giả hạc vàng, chúng ta có thể nhận biết giống hoa này qua những đặc điểm sau:
-
Độ dài của thân cây sẽ từ 70 đến 160cm. Độ dày khoảng 0,8 đến 1 cm và có hình trụ. Thân thõng và có lóng dài khoảng 2,5 đến 3cm. Lá cây mác nhọn, dài và xanh mướt.
-
Hoa có màu vàng đậm, đường kính khoảng 3,5 đến 4cm. Cánh hoa tròn, hình trứng. Điểm đặc biệt là ở giữa sẽ có những đốm nhỏ màu tím đỏ và được phủ một lớp lông siêu mềm mịn.
-
Dáng cây đẹp với những chùm hoa vàng rực, mang nét đẹp rất đặc trưng của dòng giả hạc vàng.
-
Thông thường, lan giả hạc vàng sẽ nở hoa vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm. Sau đó, cây sẽ được tái sinh nhờ chồi hoặc hạt. Thân cây sẽ có xu hướng bám vào những loại cây gỗ lớn ở trong rừng để sinh sống.
Đối với lan giả hạc tím, chúng ta có thể nhận biết giống hoa qua những đặc điểm sau:
-
Lá của lan giả hạc tím có xu hướng mọc so le, mọng nước và dài khoảng 10 đến 12 cm, rộng khoảng 5 đến 6 cm. Tuỳ vào từng vùng mà sẽ có cây lá tròn và có cây lá nhỏ dài.
-
Thân cây thường có màu trắng xám hoặc màu loang lổ như bị nấm mốc. Thân trưởng thành to như ngón tay cái của người lớn và có nhiều đốm màu tím ở vùng nách lá hoặc mặt lá. Đối với những loại thân già thường sẽ bị khô và có màu tím vàng như rơm rạ.
-
Tuỳ vào từng vùng miền mà mặt hoa lan giả hạc tím sẽ có độ đậm nhạt khác nhau.
-
Loài hoa này có hương thơm ngào ngạt và bay xa làm sao xuyến lòng người.
-
Thông thường, hoa lan giả hạc tím sẽ nở vào đầu hè, tầm tháng 4 đến tháng 6. Hoa chỉ nở trong 15 đến 20 ngày, kích cỡ hoa từ 5 đến 10 cm.
Lan giả hạc đột biến
Ngày nay, lan giả hạc đột biến được rất nhiều người săn lùng và đón nhận. Giá lan giả hạc rừng đột biến có thể lên tới hàng vài trăm triệu. Thậm chí có những cây được bán với mức giá hàng tỉ đồng. Theo đó, những loài hoa đột biến gen luôn thu hút người chơi lan bởi vẻ đẹp và hình dáng độc lạ của chúng.
Tuy nhiên, để có thể trồng được loài hoa lan giả hạc đột biến này, bạn cần phải chuẩn bị thật tốt bước trang bị và chăm sóc.
Cách phân biệt loài giả hạc này khá đơn giản. Hoa sẽ có màu trắng ngần, mặt hoa điểm thêm một chút tím tạo điểm nhấn cho toàn bông. Đây chính là một trong những điểm ấn tượng tạo nên sự khác biệt so với các loại lan giả hạc khác.
Lan giả hạc năm cánh hoa trắng
Nếu được chăm sóc đúng cách, hoa lan giả hạc trắng 5 cánh sẽ phát triển với thân dài từ 1,5 đến hơn 2m. Thân cây thường to như ngón tay cái người lớn. Đầu cánh hoa cong, cánh đỉnh có xu hướng vươn thẳng dài. Hai cánh vai của bông hoa xếp đều lên nhau. Cánh hoa có màu sắc trắng ngần. Môi hoa mọc theo hình trái tim và có điểm xuyết nhung tuyết màu tím ở hai mắt. Mùi hương của hoa lan giả hạc năm cánh rất dễ chịu, thoang thoảng và bay đi xa.
Xem thêm >>> Lan Đỏ – Biểu Tượng Cho Vẻ Đẹp Quyền Lực và Quyến Rũ
Hướng dẫn trồng hoa lan giả hạc
Cách trồng và chăm sóc hoa lan giả hạc không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Để cây có thể phát triển tốt đòi hỏi người trồng phải có những kỹ thuật chăm sóc thật tỉ mỉ và chu đáo.
Trước khi trồng
Thời điểm trồng
Thời điểm phù hợp nhất để chúng ta trồng hoa lan giả hạc là vào mùa ngủ của giả hành. Tức là vào lúc mà giả hành tơ đã rụng toàn bộ lá và chuẩn bị nảy mầm ở gốc cây.
Ví dụ, nếu hoa lan giả hạc nở vào thời điểm mùa xuân thì bạn nên chuẩn bị trồng vào tháng 10 cho đến tháng 2 âm lịch của năm sau. Nếu là loài hoa nở vào mùa hè thì nên trồng vào thời điểm cuối xuân đầu mùa hè. Tuy nhiên, nếu muốn hoa nở đẹp, chơi được lâu thì vẫn phải phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật trồng và chăm sóc của từng người.
Thông thường, bạn nên trồng hoa lan giả hạc vào dịp cuối năm và trồng trong chậu. Điều này sẽ giúp cây tôn lên được vẻ đẹp vốn có của nó. Bất kể mùa nào trong năm cũng có thể trồng được hoa lan giả hạc. Tuy nhiên, nếu không muốn hoa kém phát triển, nhanh tàn thì các bạn nên trồng đúng mùa nhé.
Chuẩn bị giá thể trồng lan
Đối với lan giả hạc, các nhà nghiên cứu đã thực tế thử nghiệm qua rất nhiều loại giá thể. Sau đó, so sánh đối chiếu các số liệu và rút ra được kết luận sau:
-
Lũa: Bạn sẽ có một giò lan nhìn rất đẹp, giả phát triển tốt nhưng cây chậm lớn, khó dài mập (trừ khi phân bón và kiểu khí hậu thật tốt). Đặc biệt, bộ rễ cây rất khỏe và rậm rạp.
-
Gỗ vú sữa, dẻ, vải, nhãn: Cây sẽ sinh trưởng và phát triển không khác so với trồng trên lũa là mấy. Tuy nhiên, gỗ vú sữa và dẻ thường hay bị nấm mảng phấn bám giá thể làm giảm giá trị thẩm mỹ.
-
Chậu: Nếu chất trồng là than thì cây sẽ kém phát triển. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên hạn chế dùng than. Đối với chất trồng là vỏ thông vụn thì cây sẽ lên tốt hơn lũa, mập mạp và dài. Nếu bạn nhét quá nhiều dớn vụn, dớn cù lần, dớn xốp tổ quạ xé vụn…. thì cây bạn sẽ phát triển rất tuyệt vời.
Theo đó, nhiều chuyên gia khuyên rằng nên trồng lan giả hạc trong chậu là tốt nhất. Bạn nên chọn chậu có kích thước vừa phải, đừng quá to vì rễ lan giả hạc thích được bó hơn. Rễ nào mọc ra ngoài thì có thể cắt hoặc vắt vào trong chậu.
Tiến hành trồng
Sau khi đã chọn được giá thể phù hợp, bạn sẽ tiến hành trồng lan giả hạc như sau:
Bước 1: Chia giống
Với một khóm lan giả hạc gồm nhiều giả hành, nếu để cả khóm và ghép vào giá thể luôn thì chỉ có 1 đến 2 mầm non có thể mọc lên, như vậy rất phí giống.
Do đó, bạn nên nhẹ nhàng tách riêng từng giả hành ra. Chú ý quan sát để tránh cắt vào vị trí mắt ngủ còn lại dưới gốc. Riêng giả hành 1 đến 2 tuổi thì bạn nên để dính vào nhau, như vậy sẽ đảm bảo nguồn chất dinh dưỡng đầy đủ nhất cho các giả hành con sau này. Còn đối với giả hành từ 3 tuổi trở lên thì bạn nên tách từng cọng ra.
Lưu ý rằng dụng cụ để tách phải thật sắc, mỏng như dao rọc giấy hoặc dao mổ. Sau khi tách riêng ra thì bạn mới bắt đầu tỉa phần rễ già và những phần gãy dập. Nhớ là để lại 2cm rễ để bắn ghim cố định giả hành vào giá thể nhé.
Bước 2: Ngâm
Bạn pha một chậu Physan 20 với nồng độ 1ml/1 lít nước hoặc một chậu Benkona với nồng độ 2ml/1 lít nước. Sau đó cho toàn bộ lan giả hạc giống vào ngâm 5 đến 10 phút rồi vớt ra để ráo vài tiếng.
Sau đó, tiếp tục pha 1ml chế phẩm Hùng Nguyễn 6 trong 1 (khoảng 15-20 giọt) với 1 lít nước. Ngâm lan giả hạc vào đó từ 1 đến 2 tiếng rồi mới vớt ra để ráo và tiến hành trồng. Nếu không có chế phẩm thì bạn cũng có thể ngâm với B1 + Atonik hoặc các loại phân thuốc kích thích bung đọt nảy mầm trên thị trường hiện nay nhé.
Việc ngâm như vậy sẽ giúp lan được bổ sung nước và chất dinh dưỡng. Đồng thời đánh thức các mắt ngủ và tăng sức đề kháng.
Bước 3: Ghép, treo.
Đầu tiên, bạn bắn ghim hoặc găm phần rễ vào bảng dớn hoặc bảng gỗ thật chắc chắn. Nên tách riêng giả hành tơ ghép chung 1 bảng và giả hành già 1 bảng. Và nhớ để mắt ngủ phải hướng ra ngoài, hạn chế dùng càng ít sắt thép được thì càng tốt! Giả hành dài ghép chung với nhau vào 1 giò, ngắn ghép chung cho có sự đồng đều và khi nở hoa được đều.
Khi trồng lan trong chậu thì bạn phải cố định chắc chắn giả hành vào móc treo. Đảm bảo cho phần gốc giả hành không bị lung lay và không được chôn mắt ngủ dưới giá thể. Khi mầm lan cao lên thì có thể lấy dây mềm đỡ cọng lan khỏi gập hoặc vặn ngắn bớt một sợi móc lại làm nghiêng cái chậu để giả hành thòng dòng xuống.
Nhìn chung, trồng lan thân thòng trên trụ dớn hoặc bảng dớn là nhanh và đơn giản nhất. Bạn chỉ cần 2 đến 3 cọng dây thép ngắn 7cm uốn thành chữ. Tiếp đến gắn cố định rễ lan, giả hành lên cục dớn là xong.
Sau khi ghép bạn nên treo lan lên giàn, cho tiếp xúc với ánh nắng 60-70% kèm theo lưới thái. Nếu bạn ở đồng bằng vùng nắng nóng thì gốc lan cách lưới ít nhất 1,5 đến 2m. Còn nếu vùng cao mát mẻ thì cách lưới ít nhất 1 đến 1,2m.
Xem thêm >>> {Cập Nhật} Các Loại Thuốc Kích Hoa Lan Nhanh Nở Mới Nhất
Chăm sóc hoa lan giả hạc chuẩn chuyên gia
Để có được những cây lan giả hạc phát triển khỏe mạnh thì việc đầu tiên bạn cần làm là nắm được kiến thức về cách chăm sóc cũng như là cách trồng chi tiết nhất.
-
Ánh sáng phù hợp cho lan giả hạc phát triển khỏe mạnh: Lan giả hạc thường phát triển tươi tốt khi có ánh sáng trực tiếp từ mặt trời. Đối với vấn đề này thì bạn nên để cây ở trong nhà lưới hoặc nhà kính là tốt nhất. Điều này làm giảm được một phần nào lượng ánh sáng và tránh làm cháy lá cây. Khi cây lan ra lá con thì bạn nên mua thêm lưới đen để che cho cây lan, giúp bộ lá không bị cháy và làm tăng khả năng phát triển của cây.
-
Nhiệt độ phù hợp: Để giúp cho cây lan giả hạc có nhiệt độ tốt thì bạn nên điều chỉnh lại khu vườn nhé. Với điều kiện là vườn cần thông thoáng, độ ẩm tốt thì cây mới phát triển khỏe mạnh hơn. Vào đầu mùa xuân, độ ẩm trong không khí cao nên vườn trồng càng thông thoáng thì càng ít sâu bệnh.
-
Vật liệu trồng lan phù hợp: Đối với cây giả hạc thì bạn có thể trồng vào bất kỳ loại giá thể nào. Chỉ cần bổ sung độ ẩm phù hợp cho cây phát triển là được. Theo đó, bạn có thể tận dụng các khúc gỗ có sẵn trong vườn như gỗ nhãn, gỗ vãi hoặc các bảng dớn hay trồng vào chậu để giúp cây có độ ẩm tốt và phát triển khỏe mạnh hơn.
-
Tưới nước phù hợp cho lan giả hạc: Khi cây đang trong giai đoạn phát triển, bạn nên bổ sung thêm lượng nước tưới phù hợp. Và cho thêm một số chất kích thích để giúp bộ rễ của cây phát triển mạnh hơn. Với mùa mưa thì nên hạn chế tưới nước. Khi mùa đông sang thì nên tăng cường tưới nước. Ngoài ra, khi cây đến mùa rụng lá thì bạn nên dừng nước một thời gian nhé.
Hướng dẫn cách bón phân cho hoa lan giả hạc
Bón phân cho lan giả hạc là điều cần thiết để cây có thể sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Dưới đây là hướng dẫn cách bón phân cho lan giả hạc chi tiết nhất mà bạn nên tham khảo:
Chọn phân bón cho lan giả hạc
Theo các nghiên cứu khoa học thì lan giả hạc thường sẽ trải qua đến 3 giai đoạn phát triển. Các giai đoạn ấy bắt đầu từ việc phát triển thân lá, hình thành chồi nụ và cho ra hoa. Tùy vào những giai đoạn cụ thể mà lan giả hạc sẽ cần những dưỡng chất khác nhau. Phân bón cho lan loại nào tốt? Cách bón phân cho lan như thế nào trong từng giai đoạn phát triển được các chuyên gia đánh giá rất quan trọng:
Giai đoạn phát triển thân lá
Đây được coi là giai đoạn mầm non phát triển mạnh nhất cho đến khi lan giả hạc có dấu hiệu đứng ngọn. Giai đoạn này, cây cần rất nhiều Nito hơn. Vì vậy, bạn nên dùng phân tan chậm hoặc phân bón có hàm lượng N cao như những dòng NPK 30-10-10.
Giai đoạn hình thành chồi nụ
Đây là giai đoạn tiếp theo để lan giả hạc tích trữ dinh dưỡng và chuẩn bị ra hoa. Ở giai đoạn này, cây đều cần đầy đủ cả 3 loại N – P – K. Trong đó, hàm lượng P nên được ưu tiên nhiều hơn. Bạn có thể chọn những phân bón có hàm lượng cân đối, chẳng hạn như NPK 20 – 20 – 20 hoặc NPK 14 – 14 – 14.
Giai đoạn ra hoa
Có thể nói, giai đoạn ra hoa thì lan giả hạc cần rất nhiều K. Vì thế mà bạn hãy chú trọng chọn dùng phân có hàm lượng NPK 7 – 5 – 47 hoặc NPK 6 – 10 – 60,…
Theo đó, nhà sản xuất khi đã làm ra phân bón đều đã nghiên cứu và điều chỉnh cho các chất trung vi lượng tương ứng với quá trình phát triển của lan. Vì vậy, nếu dùng phân hóa học cho cây thì bạn chỉ cần xem thông tin chi tiết hàm lượng NPK trên bao bì tương ứng với các giai đoạn như trên là được. Tránh bón quá nhiều trung vi lượng dẫn đến dư thừa và gây tác dụng ngược lại cho lan.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học thì đã có rất nhiều chất được tạo ra sẵn. Lan giả hạc có thể dùng luôn chứ không cần các dạng phân tổng hợp. Đây được gọi là phân bón phức hợp. Nhóm phân phức hợp như Humic, Atonik, NAA,… khi phun vào lan sẽ giúp cây phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng một cách hoàn hảo nhất vẫn là nên phối trộn đồng thời cả hai loại nhé.
Cách phân bón cho lan giả hạc
Việc hiểu rõ về loại phân bón cho lan giả hạc nào tốt? Cách bón phân cho lan như thế nào cho đúng sẽ giúp cây phát triển khỏe mạnh. Theo các nghiên cứu từ chuyên gia hàng đầu thì cách phân bón cho lan giả hạc tốt nhất là nên hòa loãng với nhau.
Hòa loãng tức là cho phân hòa tan hoàn toàn vào nước rồi mới đem phun trực tiếp lên lan. Bởi phân bón dạng lỏng sẽ dễ phân tán khắp chậu và mau thấm sâu vào rễ hơn.
Ngoài ra, đối với một số phân bón lá thì bạn nên áp dụng chúng hàng ngày nhưng cũng nên rửa lại vào ngày hôm sau. Việc làm này nhằm tránh sự phát triển của rêu và sự cô đọng từ muối.
Nếu bạn đang sử dụng các loại phân hạt tan chậm thì cũng có thể kết hợp thêm việc bón phân lỏng để hỗ trợ tốt cho lan giả hạc nhé. Điều đặc biệt hơn là không nên bón phân hữu cơ vào vị trí gốc lan. Bởi điều đó sẽ khiến cây dễ bị phân hủy và làm mất đi sự thông thoáng của chậu. Cuối cùng gây ra tình trạng thối rễ và chết cây.
Nguyên lý khi bón phân cho lan giả hạc
Thứ nhất, nếu không phun hoặc bón phân cho lan thì chúng cũng không thể chết. Bởi vì cây có thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ môi trường. Tuy nhiên, nếu thiếu đi phân bón thì lan giả hạc sẽ còi cọc, khô cằn và không phát triển tốt.
Thứ hai, thêm bón cho lan giả hạc sẽ giúp cây phát triển mạnh. Nhưng nếu bón quá dư phân thì cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Cây sẽ chết vì bị bội thực phân bón. Do đó, việc sử dụng phân loãng đều đặn sẽ giúp cây hấp thụ và phát triển tốt hơn. Đồng thời tránh lãng phí quá nhiều phân thuốc.
Thứ ba, nếu dùng sai thành phần của phân bón cho các giai đoạn phát triển thì lan giả hạc sẽ không bao giờ phát triển theo đúng quy trình tự nhiên. Chúng sẽ có thể gặp nhiều tình trạng như đi ngọn nhiều năm, chậm ra hoa, hoa nhanh tàn…
Thứ tư, dùng phân bón cũng giống như việc tưới nước mỗi ngày. Theo đó, tưới ít mà tưới nhiều lần vẫn sẽ tốt hơn là tưới một lần mà nhiều để dẫn đến bội thực và gây tác dụng phụ.
Thứ năm, việc tự chế phân hữu cơ chính là con dao hai lưỡi gây hại cho lan giả hạc của bạn. Vì thế, nếu không am hiểu về chất dinh dưỡng của cây trồng thì cách tốt nhất là bạn nên dùng sản phẩm đã chế biến sẵn từ các nhà sản xuất uy tín.
Làm sao để phòng trừ sâu bệnh cho cây?
Ngày nay, thời tiết thay đổi thất thường và gây ra nhiều bệnh cho lan giả hạc. Vậy làm sao để chúng ta có thể phòng ngừa và trừ sâu bệnh cho cây? Cùng tìm hiểu chi tiết dưới đây nhé!
Phòng ngừa
-
Khi mua lan giả hạc về trồng thì bạn cần phải kiểm tra kỹ lưỡng. Nếu cây khoẻ mạnh, không có dấu hiệu bị sâu bệnh thì mới tiến hành trồng chung với những cây khác trong vườn.
-
Dọn vệ sinh vườn lan thật sạch sẽ và thông thoáng. Trong giàn lan không được để những cây lạ, to lớn (Ví dụ: xoài, chôm chôm, nhãn…) vì dễ bị lây bệnh.
-
Bạn không nên trồng lan nhiều tầng (Ví dụ: trên treo giò lan, dưới trồng luống lan) vì nguồn bệnh cây trên (nếu có) sẽ lây lan nhanh chóng xuống cây dưới thông qua việc tưới nước hay mưa.
-
Khi giá thể trồng đã hư mục thì phải tiến hành thay kịp thời, tránh đọng nước, ẩm thấp. Thường xuyên sang chậu và kết hợp tách chiết lan giả hạc.
-
Lưu ý quan sát vườn lan thường xuyên để phát hiện những cây bị sâu bệnh và kịp thời xử lý.
-
Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh định kỳ cho lan giả hạc.
Bệnh hại trên lan
Một số bệnh hại trên lan giả hạc mà chúng ta có thể gặp như:
Bệnh đen thân cây
-
Thường do nấm Fusarium SP. gây ra.
-
Phòng trị: Bạn tách những cây bị bệnh để riêng và dùng thuốc phòng trừ hoặc có thể nhúng cả cây vào thuốc trị nấm. Nếu cây lớn hơn thì hãy cắt bỏ phần thối và phun thuốc diệt nấm như Carbenzim, Zin, Zineb 3/2000, Benlat 1/2000 hoặc Bendazol.
Bệnh đốm lá
-
Do nấm Cercospora SP. gây ra. Bệnh đốm lá thường phát sinh mạnh và gây hại trong mùa mưa ở những vườn lan có độ ẩm cao.
-
Phòng trị: Phun thuốc trừ nấm Carbenzim + Diplomat.
Bệnh thán thư
-
Do nấm Colletotrichum SP. gây nên. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa nên bạn phải phòng trừ trước.
-
Phòng trị: Cắt bỏ những phần lá vàng rồi phun thuốc diệt nấm 5 đến 7 ngày/phun 1 lần: Thio-M, Carbenzim hoặc Bendazol.
Bệnh thối mềm vi khuẩn
-
Do vi khuẩn Pseudomonas Gladioli gây nên. Vết bệnh thường hình dạng bất định, úng nước, màu trắng đục và lan rộng theo chiều rộng của lá. Nếu gặp thời tiết ẩm ướt, mô bệnh bị thối úng. Còn đối với thời tiết khô hanh thì mô bệnh khô tóp, có màu trắng xám.
Bệnh thối nâu vi khuẩn
-
Do vi khuẩn Erwnia Carotovora gây nên. Ban đầu, vết bệnh thường có màu nâu nhạt, hình tròn mọng nước, sau đó sẽ chuyển dần sang màu nâu đen. Bệnh hại cả thân, lá, mầm làm các bộ phận nhanh bị thối.
-
Phòng trị: Bạn sử dụng Kasumin kết hợp với 1 trong những hỗn hợp sau: Saipan + Mexyl; Saipan + Alpine; Mexyl + Alpine để phun phòng trị.
Bệnh đốm vòng (đốm mắt cua)
-
Do nấm Cercospora resae gây nên. Vết bệnh thường là những đốm nhỏ, hình mắt cua, hình trong hơi lõm, ở giữa màu nâu nhạt và xung quanh có gờ nổi màu nâu đậm. Bệnh gây hại này chủ yếu xuất hiện trên lá bánh tẻ, lá già tạo thành nhiều vết nhỏ li ti làm lá vàng và nhanh rụng.
-
Phòng trị: Bạn có thể dùng thuốc Topsin M 70 WD, Score 250 ND, Bendazol, Carbenzim hoặc Thio-M.
Bệnh đốm vòng
-
Do nấm Alternaria rasae gây nên. Vết bệnh thường hình tròn hoặc hình bầu dục. Trên vết bệnh sẽ có các vòng đồng tâm khá rõ. Khi gặp thời tiết ẩm ướt hoặc ẩm áp thì vết bệnh sẽ hình thành một lớp nấm mốc màu đen gồm cành và bào tử phân sinh của nấm Alternaria Rasae. Bệnh thường gây hại trên các phần lá già, lá bánh tẻ, làm vàng lá và dễ khô rụng.
-
Phòng trị: Bạn dùng Daconil 500 SC, Carbenzim + Dipomate hoặc Cadilac.
Sâu hại lan
Theo đó, lan giả hạc rất dễ bị hai loại sâu bệnh này tấn công:
-
Rệp vảy: Chúng thường bám trên các thân giả hành còn non. Về cách phòng trị thì có thể dùng bàn chải chà xát. Sau đó nhúng cây lan vào dung dịch thuốc Malathion 50 pha loãng hoặc Sagosuper 20EC.
-
Bọ trĩ: Loài này gây hại chủ yếu trong mùa nắng nóng. Bạn dùng Malathion 5 mg/bình 4 lít nước, phun mỗi tuần một lần và phun liên tiếp liên tục trong 3 tuần. Ngoài ra cũng có thể sử dụng Dragon (5cc) + SK99 (20cc)/bình 8 lít nhé.
Tổng kết
Như vậy, Lanhodiep.vn đã chia sẻ cho các bạn về những điều cần biết về hoa lan giả hạc qua bài viết trên. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn trồng được một chậu hoa lan giả hạc thật đẹp nhé. Chúc bạn thành công.